Giáo dục nghề nghiệp sẽ có bứt phá trong năm 2018
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:58 - 15/01/2018
Thực hành nghề cơ khí động cơ ô tô Trường CĐ cơ điện Hà Nội
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến hết năm 2017, mạng lưới 1974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tuyển sinh, đạt trên 2,09 triệu người. Nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh đã có chuyển biến tích cực khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp. Kết quả tuyển sinh cho thấy bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của cha mẹ học sinh và cá nhân học sinh khi quyết định con đường nghề nghiệp tương lai của con em mình và chính các em học sinh qua con đường học nghề, lập nghiệp.
Chất lượng đào tạo nghề được khẳng định thông qua việc Việt Nam 3 lần đạt nhất toàn đoàn trong các cuộc thi tay nghề ASEAN; học sinh, sinh viên Việt Nam đã giành được nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới. Chất lượng dạy nghề nước ta đang từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế (Năm 2017, tại Kỳ thi tay nghề thế giới tại Abu - Dhabi thuộc các tiểu Vương quôc Ả rập thống nhất (UAE), Đoàn Việt Nam đã chính thức đạt 1 HCĐ và 5 chứng chỉ xuất sắc). Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên; lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện (lĩnh vực viễn thông, dầu khí, cầu đường....); khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018 theo Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể cho năm 2018, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền hỗ trợ công tác tuyển sinh; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trên truyền hình, đài tiếng nói, báo giấy, báo điện tử, internet, ấn phẩm… Tuyên truyền đến các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đối tượng vừa học vừa làm; các Vụ, đơn vị của Tổng cục cần xây dựng nội dung tuyên truyền làm tài nguyên để triển khai công tác tuyên truyền như: Thông tin tuyển sinh, Mô tả nghề nghiệp, Cẩm nang chọn trường- chọn nghề, học nghề - khởi nghiệp, Hỏi đáp về Giáo dục nghề nghiệp, Tờ rơi về Giáo dục nghề nghiệp… Song song với đó là duy trì và mở rộng phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức hội, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông để đa dạng hơn về nội dung và hình thức tuyên truyền. Phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc chia sẻ thông tin tuyển sinh, đưa thông tin các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào phiếu đăng ký tuyển sinh. Sớm làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để cùng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền.....
Cũng theo TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành sẽ thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. “Một số giải pháp này đã và đang triển khai thực hiện, một số giải pháp cụ thể cần được Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.” – TS Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Trong năm 2018 và giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý nhà nước về GDNN; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp; xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDNN và các luật có liên quan theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDNN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN; hoàn thiện cơ chế tự chủ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN; Tập trung tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp. Cơ sở GDNN chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện trực tiếp tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc; Tăng cường quản lý, thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước, thống nhất thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo kết quả đầu ra. Chỉ tổ chức đào tạo khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau khi học xong.