Giáo dục nghề nghiệp năm 2017: “9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:46 - 19/01/2017
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo
Ngày 18/1/2017, Tổng Cục dạy nghề đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, đại diện lãnh đạo các đơn vị Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Bộ, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Việc làm, Công đoàn Bộ, Đảng ủy Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức của Tổng cục. Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh; Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm; Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Trần Quốc Huy chủ trì Hội nghị.
Dự kiến năm 2017 dạy nghề cho 2,2 triệu người
Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề chủ trì hội nghị
Năm 2016 là năm đầu của kế hoạch 5 năm tiếp tục triển khai đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hai Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT cùng quản lý nhà nước về GDNN nên đã có những vướng mắc, khó khăn. Trong bối cảnh đó, đi đôi với việc tăng cường quản lý nhà nước về GDNN, Tổng cục Dạy nghề đã đề xuất Bộ trình Chính phủ các cơ chế để tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề chủ động triển khai công tác đào tạo.
Đặc biệt từ tháng 9/2016, khi Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN, với tâm thế sẵn sàng Tổng cục Dạy nghề đã tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách, xây dựng để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN, cùng với việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn, tạo các tiền đề để bước vào thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Về công tác xây dựng văn bản: Năm 2016, Tổng cục chủ trì xây dựng trình ban hành 01 Nghị định, 01 Thông tư, chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan ban hành 02 Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật GDNN và 02 văn bản hợp nhất. Phối hợp với các Bộ có liên quan trình ban hành 01 Luật, 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 thông tư liên tịch, 01 thông tư. Tính đến 26/12/2016 đã có 09 Nghị định, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư và 09 Thông tư liên tịch được ban hành để hướng dẫn Luật GDNN.
Về công tác tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ GD&ĐT: Thực hiện đúng chủ trương theo tinh thần cuộc họp giữa hai Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT ngày 09/11/2016, Tổ Công tác của hai Bộ đã triển khai công tác bàn giao theo đúng nguyên tắc, nội dung và trình tự thực hiện để bàn giao chức năng, nhiệm vụ, hiện trạng việc quản lý nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường sư phạm) từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH tại thời điểm ngày 01/01/2017 trên cơ sở kế thừa kết quả một số vấn đề đã giải quyết của Bộ GD&ĐT. Tổ Công tác tiếp nhận của Tổng cục đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ GD&ĐT đôn đốc thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và hoàn thiện biên bản bàn giao để hai Bộ trưởng ký ngày 30/12/2016.
Về kết quả tuyển sinh: tính đến 31/12/2016 tuyển sinh được 2.074.667 người (đạt 96,5% kế hoạch), trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được 238.655 người (đạt 95,5% kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.836.012 người (đạt 96,6% kế hoạch). Trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 khoảng 500 ngàn người.
Về mạng lưới cơ sở GDNN: Đã tổ chức hội nghị về rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở GDNN; triển khai văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý. Hiện tại, toàn hệ thống có 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng (trong đó có 190 trường CĐN, 219 trường cao đẳng), 583 trường trung cấp (trong đó 280 trường TCN, 303 trường trung cấp) và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Cao Văn Sâm báo cáo tại hội nghị
Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2016 ở 25 nghề tại 05 Hội đồng thi tay nghề quốc gia, thu hút được 498 thí sinh từ 58 đoàn, trong đó có 06 bộ ngành, 03 tập đoàn và 49 tỉnh/thành phố tham dự; Tổ chức Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI tại Malaysia đạt thành tích cao (10 thí sinh đạt huy chương vàng, 6 thí sinh đạt huy chương bạc và 4 thí sinh đạt huy chương đồng; Đoàn Việt Nam đạt vị trí thứ 3 toàn đoàn); Tổ chức thành công Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V với sự tham gia, vào cuộc của 50 tỉnh, thành phố, qui mô thiết bị tham gia dự thi lớn, với tổng số 359 thiết bị đến từ 161 cơ sở GDNN trong cả nước. Đây là Hội thi có số lượng thiết bị dự thi nhiều nhất từ trước đến nay, chất lượng của thiết bị dự thi có chuyển biến tích cực, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị. Hội thi đã thực sự tạo được dư âm tốt cho ngành giáo dục nghề nghiệp, tạo được phong trào dạy học đi đôi với nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất các thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, rèn luyện kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn các nước phát triển để đủ năng lực đào tạo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cho từng đối tượng về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề; Trình Bộ ban hành danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề (cho 17 nghề) và Danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề (11 nghề) để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo của các trường; thí điểm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ở một số trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao v.v...
Về chương trình công tác năm 2017, Tổng cục Dạy nghề xác định một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện là: Hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các Đề án để triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật GDNN; Hoàn thành việc tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về GDNN; Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, dự kiến là 2,2 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 600 nghìn người; sơ cấp là 1,6 triệu người; Kịp thời ban hành quy chế tuyển sinh theo quy định của Luật GDNN; Hướng dẫn và tổ chức đào tạo theo quy định của Luật GDNN; Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai và kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nghiên cứu xây dựng danh mục thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo hướng tiếp cận mới v.v...
9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 khâu đột phá trong năm 2017
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao nỗ lực của lĩnh vực Dạy nghề trong năm 2016 với nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt là việc Chính phủ giao cho Bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN. Về nhiệm vụ trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị ngành Dạy nghề tập trung vào 9 nhiệm vụ chủ yếu trong đó có 5 khâu đột phá. Theo đó, trong năm 2017, ngành Dạy nghề tập trung nhân lực để hoàn thành Đề án đổi mới GDNN đến năm 2020. Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, tập trung xây dựng chương trình, giáo trình theo hướng tăng cường thực hành, giảm nhẹ lý thuyết. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN. Đặc biệt trong năm 2017 GDNN tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đây là khâu yếu nhất của GDNN hiện nay. Hệ thống GDNN cần phải tái cấu trúc lại hệ thống các trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề ở các tỉnh theo hướng là “cánh tay nối dài” cho các trường cao đẳng nghề. Ưu tiên cho việc phát triển các trường dạy nghề tư thực. Rà soát lại hệ thống các cơ sở GDNN...
Về 5 khâu đột phá trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị ngành Dạy nghề cần tập trung đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, từng bước giao tự chủ về tài chính cho các cơ sở GDNN, đây là bước quan trọng để xã hội hóa GDNN. Đột phá thứ hai là dạy nghề gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động, chú ý đến dự báo thị trường lao động, đào tạo kỹ năng thực tiễn. Đột phá thứ ba là chuẩn hóa trình độ đào tạo quốc gia, khu vực và quốc tế. Đột phá thứ tư là đội ngũ, muối đổi mới GDNN thì trước tiên TCDN phải rà soát, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên. Và cuối là truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về học nghề, GDNN trong giai đoạn mới. “Trong giai đoạn tới lịch sử đang đặt lên vai ngành dạy nghề trọng trách vô cùng quan trọng, chỉ có con đường phát triển GDNN là con đương duy nhất giúp ngành dạy nghề khẳng định vai trò và vị trí đối với xã hội và đất nước”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.