Giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:18 - 21/02/2019
Mới đây, Chính phủ có báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gửi Thường vụ Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác nhận là trọng tâm.
Nâng chuẩn sư phạm từ nay đến 2026
Theo Bộ GD&ĐT, vấn đề đào tạo giáo viên có hai loại ý kiến, trong đó đa số đồng tình với điều 72 của dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm; đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm, người dạy phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đồng thời, các ý kiến cũng ủng hộ quy định tại điều 119 dự thảo Luật đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 vừa đảm bảo nâng chuẩn giáo viên và để thầy cô ổn định, yên tâm công tác của giáo viên hiện chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền phát triển năng lực nghề đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chính sách đãi ngộ cho giáo viên.
Chính phủ đồng tình với nhóm ý kiến này. Theo đó, những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm, người dạy có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Giảng viên phải có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học. Giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn rằng các cơ sở giáo dục mầm non rất đa dạng, không phải mọi đối tượng, cơ sở giáo dục mầm non đều cần người lao động có trình độ cao đẳng. Cụ thể, đối tượng tham gia nuôi dạy trẻ là người mẹ, người có nhu cầu làm việc ở môi trường giáo dục mầm non với nhiều hình thức làm thêm, tạm thời hay gắn bó lâu dài.
Trẻ em mầm non, tiểu học, THCS không phải nộp học phí
Về chính sách học phí, Chính phủ đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân về quy định học phí của dự thảo luật. Cụ thể, học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của luật giáo dục đại học.
Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.
Trẻ mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân.
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu tiên.