CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:04

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa

Khó… đủ đường

Nằm cách trung tâm huyện gần 30km, xã Lâm Phú - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Lang Chánh. Trường Tiểu học Lâm Phú có 383 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái. Vì đường xa không thể đến điểm trường chính để học được nên nhà trường phải mở 3 điểm lẻ ở các bản để học sinh đến trường được thuận lợi.

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa - Ảnh 1.

Thầy trò trường Tiểu học Lâm Phú

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa - Ảnh 2.

Lớp học tại Trường Tiểu học Lâm Phú

Lên công tác ở miền núi 24 năm với thầy Mai Trọng Kỳ (quê huyện Hoằng Hóa), Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú, nhiều trường học, điểm trường trên địa bàn huyện Lang Chánh  trở nên quen thuộc. Vợ thầy Kỳ đang công tác tại một trường đặc biệt khó khăn ở vùng cao trên địa bàn huyện Lang Chánh, cách chỗ chồng công tác gần 40km. Thầy Kỳ chia sẻ: Do công việc của cả hai vợ chồng đều công tác xa nhà gần 150km, vợ chồng lại dạy xa nhau nên việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó. Những năm trước đây tuyến đường giao thông chưa thuận tiện, việc chăm sóc con cái cũng khó. Hai đứa sinh ra đều theo bố mẹ đi các điểm trường một vài năm rồi phải gửi về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Cuối tuần, thời tiết thuận lợi hai vợ chồng lại về quê thăm con.

Clip các thầy, cô giáo ở các trường, điểm trường khó khăn chia sẻ trong công tác giảng dạy, sinh hoạt hàng ngày

Cùng hoàn cảnh với thầy Kỳ ở trường Tiểu học Lâm Phú, vợ chồng thầy Trịnh Kim Hoan (quê huyện Thọ Xuân) cũng đã 26 năm gắn bó với núi rừng Lang Chánh. Vợ chồng thầy Hoan đang gửi con cho ông bà ở quê. "Nhiều đêm nhớ con đến quay quắt nhưng không biết phải làm sao. Nhất là khi con đến tuổi dậy thì, không có bố mẹ bên cạnh khiến mình rất lo lắng. Những lần về dù thời gian ít ỏi nhưng hai vợ chồng luôn động viên các con chăm ngoan học tốt, nghe lời ông bà, để bố mẹ yên tâm công tác", thầy Hoan bùi ngùi chia sẻ.

Lớp học tại điểm trường Nà Đang

Thầy Tạ Văn Biên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú cho biết: "Các thầy cô ở dưới xuôi lên công tác gặp rất nhiều khó khăn, từ giao thông đi lại đến điều kiện sinh hoạt hàng ngày. Trong số các điểm trưởng ở Lâm Phú, điểm trường ở bản Nà Đang là khó khăn nhất. Cơ sở vật chất dạy, học ở trường chính đã thiếu, ở các điểm trường còn khó bội phần. Những năm trước đây muốn vào Nà Đang chỉ có duy nhất một con đường xuyên đường mòn qua những tán rừng. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa bùn đất lầy lội, nước suối chảy xiết, nhọc nhằn lắm. Năm vừa rồi, tuyến đường mới vào trung tâm bản Nà Đang được hoàn thiện, việc đi lại đỡ vất vả hơn, điện vào bản cũng được kéo về, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy thiếu thốn là vậy nhưng hầu hết các thầy đều ở lại bản để dạy học và động viên học sinh. Các thầy ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình".

15 năm không có giáo viên nữ

Nằm trên độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khu Cao Sơn là tên gọi chung của 3 bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Những năm trước đây, lên Cao Sơn từ trung tâm xã Lũng Cao nếu chọn con đường gần nhất chỉ còn cách đi bộ, băng rừng, vượt qua ngọn núi dài khoảng 15km với địa hình hiểm trở, dốc cao. 

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa - Ảnh 5.

Đường lên Cao Sơn mới hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều gian khó bởi độ dốc cao, hiểm trở

Nếu chọn đi xe máy, từ trung tâm xã phải ngược về phía đường mòn Hồ Chí Minh qua huyện cẩm Thủy, Thạch Thành, từ đó chạy qua huyện Lạc Sơn lên vùng đất xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) rồi tiếp tục đi bộ chừng 4km mới tới được Cao Sơn với chiều dài gần 150km. Nằm ở giữa thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn và khắc nghiệt nên Trường phổ thông Cao Sơn kể từ khi thành lập chưa một lần có giáo viên nữ về cắm bản giảng dạy.

Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn cho biết: "Nhà trường có 116 học sinh hai cấp học với 13 giáo viên. Năm 2019 huyện Bá Thước tính phương án sáp nhập, giải thể ngôi trường này, nhưng sau đó lại không sát nhập. 

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa - Ảnh 6.

Trường phổ thông Cao Sơn những ngày sương mù

 Đi lại vất vả, không điện, không sóng điện thoại, mùa đông khắc nghiệt bởi sương mù bao phủ và có những năm nhiệt độ xuống rất thấp, có tuyết rơi, nước đông thành đá nên từ khi thành lập trường chỉ toàn các thầy. Hiện còn hai thầy giáo từ khi thành lập trường đến nay vẫn kiên trì bám trường, bám bản, gieo chữ cho học trò. Cơ sở vật chất thiếu, nên các thầy đều phải dạy đa năng… Đầu năm học mới vừa qua nhà trường có một cô giáo dạy bên Tân Lạc (Hòa Bình) tình nguyện sang đứng lớp, bổ sung kiến thức một số tiết Tiếng Anh cho học sinh ", thầy Tài thông tin.

Tình thương… níu thầy ở lại

Điểm trường Nà Đang, xã Lâm Phú có 4 thầy, cô giáo. Trong đó 1 cô giáo dạy hợp đồng vừa được tăng cường. Tất cả hy vọng tương lai của bản Nà Đang được gói trong những phòng học xiêu vẹo, những đứa trẻ ê, a đánh vần, luyện chữ.

Dù khó khăn, vất vả, thiếu cơ sở vật chất nhưng từ 2008 đến nay chưa có học sinh nào ở Cao Sơn phải bỏ học giữa chừng

Gần 30 năm công tác trong nghề, nhà chỉ cách điểm trường bản Nà Đang hơn 12km, nhưng có đến 8 năm gắn bó với trường, thầy Lương Văn Xuân có vẻ như đang "đánh vật" với học trò trong chương trình sách mới khi chúng tôi đến thăm. "Năm nay không những học sinh mà thầy giáo cũng vất vả gấp bội phần. Đặc biệt, học sinh trên này, tư duy còn hạn chế nên ngày nào cũng phải hướng dẫn các con đến khản cả cổ", thầy Xuân trải lòng.

Gần nhà, đường đã có phần thuận lợi hơn để đi về, thế nhưng cứ chiều chủ nhật thầy Xuân đến lớp, rồi chiều thứ 6 lại mới lọc cọc vượt đường đèo trở về nhà, không phải do đi lại khó khăn, mà vì sợ học trò bỏ học.

"Một năm phải cả chục lần đến tận nhà để vận động học trò trở lại lớp. Sau những dịp nghỉ Tết, nghỉ hè hay mỗi khi trời mưa rét, trong gia đình có đám, các con lại không đến lớp nữa. Các em học sinh tiếp thu còn hạn chế, nên phải dạy từng âm một. Các em cũng giống như con, cháu mình, nên buộc phải ở lại trường để các cháu không bỏ học", thầy Xuân nói.

Gian nan "gieo chữ" giữa đại ngàn miền tây Thanh Hóa - Ảnh 8.

Một góc bản làng ở Cao Sơn

Năm 2006, thầy Trần Ngọc Hải  (quê huyện Vĩnh Lộc) nhận quyết định lên Cao Sơn dạy học, khi đó còn là khu lẻ lợp bằng tranh nứa ở giữa làng Son. Leo bộ gần nửa ngày trời mới đến trường, trời vừa tối, với thầy Hải lúc đó không khỏi nản lòng khi thấy một khu lán dựng tạm đìu hiu trong màn sương dày đặc.

Thầy Hải thổ lộ, đã có những lúc muốn bỏ cuộc. Đó là khi phải đi nhiều cây số mới có thể gọi điện về cho gia đình, là khi dậy từ 2 - 3 giờ sáng để kịp buổi dạy đầu tuần; là lúc lội bộ hàng chục giờ đồng hồ vẫn thấy đường ở trên đầu, vực thẳm gần đến mong manh.

Những năm 2006 - 2007 hình ảnh lũ học trò đầu trần, chân đất, rét run cầm cập đến tím tái mặt mày trong cái lạnh 1 - 2 độ giữa mùa đông nhưng vẫn đến lớp, thầy biết mình không thể bỏ cuộc. Những tấm phên nứa bao tạm không ngăn được sương ùa vào lớp, những ngày sau đó, thầy trò phải đốt một đống lửa nhỏ, vừa sưởi ấm vừa học bài.

"Ở riết rồi quen, cũng vì thương học trò. Gắn bó với bà con, dân bản giống như ở nhà mình. Đợt vừa rồi huyện có ý định cho mình chuyển xuống thị trấn, nhưng mình xin ở lại với bà con. Nếu có điều kiện được chuyển mình muốn được về nhà để chăm sóc bố mẹ, vợ con", thầy Hải chia sẻ.

Mới gắn bó với Cao Sơn, thầy Hà Văn Thảo cưới vợ đã 10 năm nhưng thời gian vợ chồng gặp nhau là rất ngắn ngủi. Dù có thời điểm, vợ chồng thầy Thảo được phân công dạy cùng một huyện, thế nhưng điểm trường lẻ của vợ và thầy cách nhau hàng chục km. Oái oăm hơn, cung đường để đến được với nhau chỉ có thể lội bộ hàng giờ đồng hồ. Từ năm 2015 đến năm 2019, thầy Thảo dạy tại trường tiểu học Bát Mọt 1, huyện Thường Xuân, vợ dạy trường mầm non Bát Mọt 1. Hai trường cách nhau 16km đường rừng. Suốt 4 năm dù ở cùng địa bàn nhưng phải vài ba tuần vợ chồng mới có thể gặp nhau.

Giờ đây, khi được chuyển về trường phổ thông Cao Sơn, thầy Thảo cách nơi vợ công tác 140km. Cung đường xa, số lần vợ chồng được gặp nhau tỉ lệ nghịch với chiều dài cung đường.

Nơi mà vợ thầy Thảo công tác vẫn chưa có sóng điện thoại, muốn nghe được tiếng chồng, vợ thầy Thảo phải đi bộ hơn 3km đường rừng mới có thể hứng được sóng.

"Cưới nhau rồi xa nhau, đó là tình trạng chung của giáo viên cắm bản chúng tôi. Mỗi lần nhớ nhau chỉ có thể nhìn lên những ngọn núi xa xa kia… Cũng vì thương học trò, hiểu được công việc mà hai vợ chồng đều chia sẻ, động viên nhau hoàn thành công việc", thầy Thảo nói. 

Gắn bó với học trò, với bà con dân bản, món quà mà các thầy nhận được dịp 20/11 là những sản vật, những đồ dùng mà bà con dân bản làm ra. Trong câu chuyện chia sẻ của mình, các thầy chỉ bảo: Món quà ý nghĩa nhất là tình cảm bà con dân bản dành tặng, là sự nỗ lực của tất cả các học trò để không ngừng vượt khó học tập ở trên vùng đất còn nhiều khó khăn này…

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh