THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:36

Gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế còn xảy ra nhiều nơi

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

 

Ông Dũng thông tin, trong số thuế nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2016. Sẽ đề nghị Quốc hội xóa nợ thuế không có khả năng thu. Giải trình trước QH về tình trạng nợ đọng thuế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đã có chuyển biến quyết liệt và đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, số thuế nợ đọng giảm từ 81,97 nghìn tỷ năm 2016 xuống còn 73,1 nghìn tỷ vào cuối năm 2017, tương ứng giảm 10,8%.

Riêng số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31,7 nghìn tỷ năm 2016 xuống 26 nghìn tỷ năm 2017, tương ứng giảm 18%, bằng khoảng 2,5% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, số thu hồi nợ đọng thuế tăng cao qua các năm, năm 2016 là 39,7 nghìn tỷ; năm 2017 là 44,77 nghìn tỷ. Đáng lưu ý, trong số thuế nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2016, chiếm 43% tổng nợ.

“Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể không còn tài sản để thu hồi...nhưng chưa được xóa . Và vì chưa được xoá, nên theo quy định vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/ngày, nên số nợ này ngày càng tăng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải.

Theo ông Dũng, ngành tài chính đang tích cực rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xoá số nợ thuế không có khả năng thu để bảo đảm phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế. Nghe vậy, ĐB Lương Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) giơ biển tranh luân.

Theo ông Nhưỡng, Bộ Tài chính cần rà soát, xác định số nợ thuế với người đã chết vì người thừa kế vẫn phải nộp thay. "Theo quy định của Luật Thừa kế, chết không phải là hết nghĩa vụ, nên không thể xoá khoản nợ đọng thuế trên. Đây không còn chỉ là tiền ngân sách, còn là ý thức kỷ luật", ông Nhưỡng nói. Không tăng thuế giá trị gia tăng.

Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các sai phạm, tình hình tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực. “Tuy nhiên, đúng như ĐBQH nêu, tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, kể cả ở các cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, ông Đinh Tiến Dũng thừa nhận.

Ông Dũng dẫn, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi. Cho nên, vừa qua, đã thay đổi cơ chế quản lý về thuế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Cụ thể, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với doanh nghiệp và người nộp thuế.

“Chuyển đổi cơ chế quản lý này phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế này cũng còn kẽ hở để cho các đối tượng nộp thuế lợi dụng chiếm đoạt tiền thuế”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, đây là hướng đi đúng, cần kiên trì thực hiện. Đề cập đến thuế giá trị gia tăng, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, sẽ giữ mức thuế phổ thông ở mức 10%, không nâng mức thuế lên 11- 12%, cơ cấu lại các hàng hoá chịu thuế 0%, 5% nhằm bảo đảm công bằng, nhất là không lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong chính sách thuế làm mất đi tính độc lập của thuế.

Còn với thuế tài sản sẽ nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, phòng chống tham nhũng. “Mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh