THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Năng suất lao động Việt Nam có thể tính lại một cách sát thực hơn

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày, giải đáp thêm những vấn đề của các Đại biểu Quốc hội quan tâm

 

ASXH: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội 

Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đầu năm 2018, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tham gia làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán của Đảng, nhân dân ta.

“Thời gian qua, công tác ASXH có nhiều chuyển biến tích cực và nhận được sự sâu sát của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy đảng, chính quyền, và đặc biệt đã huy động được sự vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân với tinh thần tương thân tương ái. ASXH được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của chúng ta”, Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ sự đồng thuận, đánh giá cao, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, ngân sách hạn chế, nhưng Quốc hội, Chính phủ đã dành một nguồn lực rất đáng kể để đảm bảo ASXH cho người dân, được quốc tế đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Hệ thống ASXH ngày càng hoàn thiện và trở thành một trong 4 trụ cột hết sức quan trọng. Thứ nhất là phòng ngừa rủi ro cho người dân trước những biến đổi; Thứ 2 là phòng ngừa rủi ro; 3 là khắc phục rủi ro, đảm bảo phát triển bền vững; thứ 4, đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản, tối thiểu”, ông Lợi nói.

 

                          ĐBQH Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội trường sáng nay

Ở góc nhìn cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Như So (tỉnh Kon Tum) đề cập đến câu chuyện tăng năng suất lao động. Theo ông So, năng suất lao động cần phải được xem là vấn đề trọng tâm, là đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững. “Tuy thế, năng suất lao động nước ta ở mức thấp. Vị đại biểu tỉnh Bắc Ninh viện dẫn số liệu, năng suất lao động chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaysia, và 36% của Thái Lan, thậm chí thấp hơn Lào là 8,7%”, ông So viện dẫn số liệu cụ thể.

Theo đó, vị đại biểu này nhìn nhận, chúng ta đang mất dần lợi thế lao động rẻ, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. “Vì vậy Chính phủ cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện trong hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thúc đẩy đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cải thiện trình độ kỹ thuật lao động, khuyến khích đầu tư KHCN; chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực có giá trị gia tăng cao, để góp phần nâng cao năng suất lao động...”, ông So nói.

Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) bày tỏ sự quan tâm và mong muốn người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết rõ hơn về gói 8,1 nghìn tỷ để hỗ trợ cho NCC gặp khó khăn về nhà ở giai đoạn 2016- 2020 đến nay đã giải ngân được đến đâu.

Mỗi ngày Chính phủ hỗ trợ đến được người dân là rút ngắn mỗi ngày sự khó khăn của họ khi mà số người có công với cách mạng ngày một ít đi; họ khát khao chờ mong chính sách ưu đãi đó”, ông Thắng nói.

Đồng thời, ông Thắng cho rằng, Quốc hội nên đưa nội dung này vào chương trình giám sát năm 2019 để đảm bảo rằng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng mục đích đúng đối tượng, không để xảy ra sai phạm nào. 

“Về thực hiện chính sách Người có công với cách mạng, năm qua đã làm rất nhiều việc với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhất là dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS”, vị đại biểu này đánh giá.

 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị)  

 

Ngành LĐ-TB&XH hoàn thành 3 chỉ tiêu quan trọng

Trước những mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhìn tổng quát các ưu đãi của nhà nước với hơn 9 triệu người có công và thân nhân người có công đã được thực hiện đúng đủ, kịp thời.

Bộ trưởng cho biết, công tác bia mộ, tìm kiếm liệt sĩ, quy tập liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ đã được triển khai với tinh thần, trách nhiệm rất cao. Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh theo tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội, chỉ thị 14 của Trung ương cũng như chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua thực hiện quyết liệt, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, công khai, minh bạch.

“Đến nay cả nước đã giải quyết xấp xỉ 6 nghìn hồ sơ tồn đọng, trong đó xác nhận liệt sĩ 1,6 nghìn trường hợp; thương binh và hưởng như thương binh trên 3 nghìn trường hợp. Kết luận 2 nghìn trường hợp không đủ điều kiện. Việc xác nhận liệt sĩ đa phần thời kỳ chống Pháp- Người hi sinh lâu năm nhất là cụ Đặng Văn Tiết (Long An) nằm trong nghĩa trang liệt sĩ 75 năm”, Bộ trưởng thông tin.

Về quyết định phân bổ 8,1 nghìn tỷ để các địa phương triển khai xây dựng, sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã phân bổ đến tất cả các địa phương. “Phấn đấu năm 2018 hoàn thành 313 nghìn ngôi nhà người có công với cách mạng”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các ưu đãi của nhà nước với hơn 9 triệu người có công và thân nhân người có công đã được thực hiện đúng đủ, kịp thời.

 

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa qua, quá trình kiểm tra tại 4 tỉnh cho thấy quý I, số tiền này các địa phương mới giải ngân được khoảng 10%. Theo đó, Bộ trưởng mong muốn các đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước cũng như MTTQVN phối hợp cùng để giám sát việc tổ chức này. “Làm sao 2018, hơn 8 nghìn tỷ này giải ngân và đảm bảo hoàn thành được căn bản nhà ở người có công theo chương trình hỗ trợ này”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Về các chính sách xã hội, Bộ trưởng thông tin: “Hiện nay chúng ta đang quan tâm, và giải quyết căn bản, tạo điều kiện tối đa cho trên 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn; các đối tượng bảo trợ xã hội; 1,6 triệu người cao tuổi và chính sách đối với đồng bào DTTS, cơ bản được triển khai kịp thời và đầy đủ”.

Hai trụ cột chính trong ASXH là BHYT và BHXH. Đã có 13,9 triệu người tham gia BHXH; BHYT- 86% người dân có BHYT. Cơ bản những chính sách này đảm bảo.

Chương trình giảm nghèo bền vững và 21 chương trình mục tiêu đều thiết kế tập trung cho vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, đồng bào DTTS, chương trình NTM đầu tư gấp 4 lần cho khu vực miền núi so với khu vực bình quân chung. Tập trung đầu tư chuyển sang hướng đầu tư có điều kiện, hạn chế tối đa về cấp không, tập trung vào lõi nghèo. Đó là vùng thuộc các huyện 30a, và 2,139 xã thuộc 135;  3,973 thôn bản đặc biệt khó khăn, cũng như 291 xã bãi ngang.

“Có thể thấy, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cả nước vượt qua nhiều khó khăn, thiên tai địch họa, lũ quét... Nhìn vào dịp tết, đi thăm, chứng kiến bão, lũ quét ở vùng Sơn La, Hà Tĩnh, rồi một số tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ với sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước- nhất là trong dịp Tết, chúng ta đã xuất tới 19 nghìn tấn gạo… chăm lo cho đồng bào ăn tết, không để ai rơi vào cảnh màn trời chiếu đất”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin.

Bằng sự nỗ lực đó, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành 3 chỉ tiêu rất quan trọng trong lĩnh vực an sinh- Lao động việc làm. “Cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,53 %, - vượt chỉ tiêu giao tối đa là 1,5; tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 6,7%, cận nghèo còn 5,33%; các huyện 30a giảm trên 4%; đã có 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30a”, Bộ trưởng cho biết.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi duy trì ở mức cao 76% 

Về lĩnh vực lao động, và năng suất lao động mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ở góc độ quản lý lao động, chuyển dịch lao động đã có nhiều tiến bộ. Hết tháng 4/2018, lao động khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 38,6%. Số lao động làm công ăn lương có quan hệ lao động tăng dần. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%.”

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Quốc hội (ảnh TH)

 

Tuy nhiên Bộ trưởng thẳng thắn, nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao kể cả về thu nhập, môi trường lao động, các chính sách an sinh xã hội. Thị trường lao động không hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng (nhân lực quản lý, nhân lực chất lượng cao).

Việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao, bình quân trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,51%, tăng so với 2016.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năng suất lao động có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp. “Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá hiện hành, năng suất lao động tăng 6,6%, thuộc nhóm nước có tốc độ cao. Nhưng bình quân 10 năm chỉ tăng 4,4%”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, theo các chuyên gia kinh tế, nếu áp dụng phương pháp tính chung, phù hợp với xu hướng quốc tế, thì có thể tính toán lại một cách sát thực hơn. “Qua trao đổi, thấy rằng, NSLĐ cần phải tính toán lại một cách cụ thể. Chúng ta chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. Nếu làm được điều này, đánh giá lại, chúng tôi tin rằng NSLĐ Việt Nam không phải như thế này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Đặc biệt, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, năm 2018, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá của ngành để tạo ra việc làm ổn định và bền vững. Đến nay, đã giảm được 252 trung tâm cấp huyện, 35 trường cao đẳng công lập hoạt động không hiệu quả. Sắp tới sẽ giảm tiếp nhiều trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.

Bộ sẽ tiếp tục chuyển hẳn sang đào tạo lao động theo địa chỉ, đặt hàng với đơn vị giáo dục trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường. Riêng quý I/2018, ngành LĐ-TB&XH đã thí điểm tại 10 trường, ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế để đào tạo theo địa chỉ cho 150.000 người trong 3 năm (2018-2020).

"Nếu tính riêng trường Dung Quất trong 22 năm qua chỉ đào tạo được 18.000 công nhân kỹ thuật, người lao động. Trong khi 3 năm tới, đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 15.800 trường hợp. Đây là chủ trương chuyển hẳn từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu, chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cụ thể.

Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ sớm cụ thể hóa Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp để thúc đẩy năng suất lao động. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết 28 về cải cách BHXH, nhằm thúc đẩy an sinh xã hội.

Quý 3/2018, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ 3 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động, tập trung đổi mới, năng cao chất lượng giao dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Thanh Nhung- Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh