Gian hàng 0 đồng trong khu phong tỏa
- Dược liệu
- 17:49 - 09/09/2021
Cuối tháng 7, block A chung cư Fuji Resident (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) bị phong tỏa y tế để phòng chống dịch Covid-19. 750 hộ dân sống trong điều kiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Quyết định phong tỏa được thực hiện một cách bất ngờ khi phát hiện có một số ca F0 cư ngụ tại đây, vì vậy, nhiều gia đình không kịp trữ lương thực, thực phẩm. Hàng trăm gia đình gặp khó khăn khi bị mất thu nhập, trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, cần sự trợ giúp khẩn cấp.
Rất nhanh chóng, chỉ ngay trong ngày đầu phong tỏa, một số cá nhân có kinh nghiệm hoạt động từ thiện cùng Ban quản lý chung cư đã đứng ra kêu gọi thành lập Đội thiện nguyện để hỗ trợ cư dân. Hàng chục người đã tình nguyện tham gia vào đội hình thiện nguyện, làm nòng cốt cho các hoạt động hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn. Một trong những hoạt động đầu tiên của đội là tìm nguồn cung lương thực, thực phẩm cứu trợ và vận chuyển đến tận từng tầng nhằm hạn chế việc người dân sử dụng thang máy để tránh lây lan dịch.
Những "Siêu thị 0 đồng" nhanh chóng được mở ra trên toàn bộ 16 tầng của chung cư. Hằng ngày, các thành viên đội thiện nguyện chuyển hàng lên các tầng theo hai khung giờ: Sáng từ 9h39 đến10h30, chiều từ 16 đến17h.
"Siêu thị 0 đồng" của chung cư, hầu như ngày nào cũng đầy đủ rau, củ, quả. Có được điều đó là nhờ đội thiện nguyện cùng Ban quản lý vận động tìm nguồn tài trợ từ chủ đầu tư và các cá nhân, tổ chức bên ngoài, cùng với sự đóng góp của một số cư dân có nguồn hàng "tiếp tế" từ quê nhà: Hàng xóm chị P góp vài chục ký rau, chị B chia sẻ vài ký cá khô, chị N góp vài chục trứng, rau thơm, bún tươi, đậu hũ, trái cây từ tận ngoài Huế gửi vào... Mỗi người một ít, "góp gió thành bão", lượng hàng trên các quầy của Gian hàng 0 đồng không lúc nào vơi, và cũng rất phong phú về chủng loại - giúp bữa ăn các gia đình luôn đủ đầy trong suốt 14 ngày phong tỏa.
Bên cạnh đó, ban quản lý chung cư cũng kêu gọi thành lập Quỹ phòng chống dịch, có hơn 400 hộ tham gia đóng góp. Khoản quỹ này được sử dụng để mua đồ bảo hộ, bao tay, khẩu trang N95 cho đội thiện nguyện sử dụng khi chuyển hàng cho cư dân; mua Chloramin B, bình phun xịt để phun khử khuẩn thang máy, hành lang, nhà rác, khu vực nguy cơ cao... Ngoài ra tiền quĩ cũng trích ra để mua gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho Ban quản lý, nhân viên vệ sinh, bảo vệ bị kẹt lại chung cư.
"Mình có chút gì đóng góp cho cộng đồng cư dân trong lúc khó khăn là thấy an lòng, nhưng mình không muốn mọi người biết điều đó. Hầu hết những người khác cùng tham gia đóng góp cũng vậy. Tất cả đều làm với lòng thiện và tấm chân tình, không mong được "nổi tiếng" hay cần "tuyên dương". Chỉ mong tình nghĩa hàng xóm láng giềng được vun đắp ngày càng bền chặt từ những tháng ngày khó khăn hoạn nạn này. Trong tình cảnh dịch dã hoành hành, giãn cách xã hội kéo dài, cần lắm sự chung tay chung sức của cả cộng đồng để chăm lo cho mọi nhà, mọi người", chị P. - một trong những người đầu tiên khởi xướng việc thành lập đội thiện nguyện chia sẻ.
Và đó cũng là lý do mà chúng tôi viết tắt tên của các nhân vật trong bài.
Cũng theo chị P., khi mới bị phong tỏa, trong cư dân có không ít ý kiến 'trái chiều", nhưng với những hoạt động hỗ trợ, sẻ chia thông qua "Siêu thị 0 đồng" được tổ chức liên tục và hiệu quả, cho nên đến giờ mọi người đều đồng lòng thực hiện nghiêm các chủ trương của thành phố, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.