THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:03

Từ F0 thành tình nguyện viên chống dịch

"Vì đang học năm cuối nên tôi ở lại TP.HCM để chờ đi thực tập và làm đồ án tốt nghiệp, ở tại một ký túc xá của trường. Đó là lúc mà thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi 16. Không may trong khu KTX tôi ở có một số ca F0. Hôm KTX bị phong tỏa thì cũng là lúc tôi phát hiện bị nhiễm Covid-19. Như nhiều người bị nhiễm khác, tôi được đưa đi cách ly tập trung. Thực sự khi biết tin bị nhiễm Covid-19 và phải đi cách ly tập trung, ban đầu tôi rất hoang mang, lo sợ. Nhưng rồi nhìn qua xung quanh, thấy rất nhiều người cũng trong hoàn cảnh như mình, họ tỏ ra lạc quan, không sợ hãi. Sự lạc quan của những người xung quanh đã giúp tôi dần trấn tĩnh, có thêm tinh thần để điều trị", Phú kể.

 Từ F0 thành tình nguyện viên chống dịch - Ảnh 1.

Huỳnh Quang Phú với công việc nhập dữ liệu các bệnh nhân tại cơ sở thu dung quận 10

Những ngày điều trị thực sự là những trải nghiệm khó quên đối với chàng thanh niên 22 tuổi. Những cơn khó thở ập đến khiến anh cảm thấy bất an, nhưng anh đã cố gắng vượt qua. "Những ngày đó, những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn của gia đình, bạn bè động viên càng tiếp sức cho mình trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, giúp mình thêm tự tin và quyết tâm", Phú chia sẻ.

Không chỉ tự chăm lo cho bản thân, anh còn giúp đỡ một số người cùng phòng, hướng dẫn họ hít thở trước khi bác sĩ tới để đưa đi thở oxy. Nhờ có sức khỏe và điều trị, tập luyện đúng cách nên bệnh tình dần nhẹ hơn. Sau 14 ngày, trải qua 4 lần xét nghiệm PCR, anh được công bố đã bình phục và trở lại KTX.

"Mình đón nhận công bố khỏi bệnh mà cảm thấy vui sướng vô cùng, vì đó thực sự là điều may mắn khi không bị chuyển nặng như một số người khác", Phú chia sẻ.

 Từ F0 thành tình nguyện viên chống dịch - Ảnh 2.

Từ F0 thành tình nguyện viên chống dịch

Theo Phú, một trong những điều khiến anh cảm thấy ấn tượng nhất trong những ngày điều trị, đó là hình ảnh những y bác sĩ luôn làm việc với 200% sức lực, lúc nào cũng phải gắng hết sức để cứu chữa các bệnh nhân. Cùng với đó là những tình nguyện viên luôn hăng hái, xốc vác, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ mọi người tất cả mọi việc, không quản ngại khó khăn, vất vả. Ý định tham gia tuyến đầu chống dịch dần thành hình trong đầu chàng sinh viên, và anh quyết định hiện thực hóa ý định ấy ngay sau khi bình phục.

"Thật ra, ngay từ trước khi bị nhiễm Covid-19 thì tôi đã có ý định tham gia lực lượng tình nguyện viên ở quê nhà (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng không kịp thực hiện. Sau khi khỏi bệnh, ý định đó càng rõ ràng hơn, bởi khi này tôi đã có khả năng miễn nhiễm, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho công việc", Phú chia sẻ.

Chỉ sau 5 ngày trở về KTX, Phú đăng ký tham gia đội tình nguyện viên hỗ trợ F0 của P.7 (Q.10), làm việc tại cơ sở thu dung Trường THCS Nguyễn Trị Phương (Q.10). Lúc này, TP.HCM đã "nâng cấp" hình thức giãn cách xã hội "ai ở đâu thì ở yên đó", lực lượng chống dịch được bổ sung thêm hàng chục ngàn người - chủ yếu là lực lượng quân đội của Quân khu 7 và từ phía Bắc điều động vào. Đây cũng là giai đoạn mà số ca nhiễm mới ở TP.HCM tăng cao do các địa phương đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm diện rộng. Vì thế, các cơ sở thu dung lúc nào cũng đông bệnh nhân, mỗi ngày bổ sung từ vài chục đến vài trăm người mới. Công việc nhập dữ liệu người bệnh của Phú cũng vì thế mà trở nên bận rộn hơn.

Ngày nào, anh cũng ngồi bên chiếc máy tính, miệt mài với công việc. "Nhập dữ liệu tưởng là công việc dễ dàng, đơn giản, nhưng thật ra, nhập dữ liệu bệnh nhân ở khu thu dung có những đặc thù riêng. Trước hết là việc bệnh nhân được tiếp nhận suốt ngày đêm, hễ chỗ nào có ca bệnh cần đưa về theo dõi, điều trị, thì mình đều phải có mặt để nắm bắt dữ liệu và nhập vào hệ thống. Thứ hai, không chỉ nhập dữ liệu thông tin cá nhân, mà còn phải nhập cả những dữ liệu liên quan tới chuyên môn y tế. Để làm được việc này mình cần phải nghiên cứu, học tập để làm cho thật chính xác. Vì công việc này không thể để xảy ra bất cứ sai sót nhỏ nào", Phú cho biết.

Đã gắn bó với công việc được hơn nửa tháng, tiếp xúc với cả ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều tính cách, hoàn cảnh rất đặc biệt, Phú càng có cơ hội để trải nghiệm và chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống. Anh nói rằng, một khi biết cách đặt cuộc sống của mình vào một vị trí nào đó để tạo ra giá trị thiết thực cho cuộc sống, thì trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, cuộc sống cũng đều có ý nghĩa. Những ngày này, được tham gia trên tuyến đầu chống dịch chính là bạn đã khẳng được giá trị và ý nghĩa cuộc sống của mình.

HUY KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh