THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 12:52

Giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ công tác đào tạo nghề

 

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Bên cạnh công tác đào tạo nghề nói chung đạt nhiều kết quả quan trọng thì công tác triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015 cũng được đánh giá cao, với 4.375 lao động nông thôn đã qua đào tạo, đạt 103% kế hoạch năm. Đặc biệt tỷ lệ học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt kết quả cao. Theo báo cáo của các trường dạy nghề bình quân đạt trên 68%, đặc biệt Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ số học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay là trên 80%. Đối với Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ước có khoảng trên 75% lao động có việc làm sau khi học nghề thông qua các hình thức tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm mới tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.Để có được những kết quả trên ngoài việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố, các quận, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, điển hình ở các địa phương như quận Bình Thủy đã liên kết với Công ty TNHH Đại Thành Huy đào tạo 1 lớp May công nghiệp cho 35 học viên tại Khu Công nghiệp Trà Nóc và Hợp tác xã Tiến Lợi đào tạo 1 lớp Nề (xây dựng cơ bản) cho 35 học viên tại phường Trà Nóc. Học viên  lớp may vừa học lý thuyết vừa thực hành thực tế trên chuyền may của mình tại Cty và học viên lớp nề thực hành tại những công trình xây dựng của hợp tác xã. Ngoài ra Phòng LĐ-TB&XH quận còn phối hợp với Phòng GD&ĐT và các trường THCS trên địa bàn quận thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh theo Nghị quyết 06 của Quận ủy Bình Thủy.Một số địa phương khác như huyện Cờ Đỏ với mô hình đan lục bình ở thị trấn Cờ Đỏ cho phụ nữ nghèo, mô hình sản xuất lúa giống tại xã Trung An phát triển thành Hợp tác xã sản xuất lúa giống, mô hình may công nghiệp của Trung tâm Dạy nghề đang đầu tư và phát triển. Hay huyện Phong Điền thực hiện mô hình trồng chanh không hạt tại xã Trường Long; mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp (học viên may công nghiệp sau khi tốt nghiệp được Công ty may Phước Thới tuyển vào làm việc đúng với chuyên môn đào tạo); Tổ hợp tác trồng hoa kiểng xã Tân Thới (học viên sau khi được đào tạo nghề đan sọt sẽ được tổ hợp tác trồng hoa kiểng cung cấp nguyên liệu và thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường); mô hình bao tiêu sản phẩm (học viên sau đào tạo nghề đan dây nhựa được các cơ sở tại thị trấn Phong Điền nhận bao tiêu sản phẩm để cung cấp giỏ xách dây nhựa cho các chợ trong và ngoài huyện)...Từ những thành công trên có thể thấy công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của TP Cần Thơ đang đi đúng hướng nhờ gắn kết được công tác đào tạo của nhà trường, trung tâm dạy nghề với doanh nghiệp và thực tế yêu cầu lao động tại địa phương.

 

Đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững

Công tác  đào tạo nghề  có ý nghĩa rất quan trọng trong việc  phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của thành phố, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Vì vậy trong thời gian qua, thành phố luôn tích cực thông tin tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân, thu hút người lao động tích cực tham gia học nghề phù hợp với khả năng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo. Hoạt động đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được các cấp, các ngành thành phố quan tâm và đẩy mạnh, góp phần nâng cao kiến thức, tay nghề, hiệu quả lao động của lao động nông thôn. Thời gian qua các chính sách, dự án trợ giúp người nghèo trên địa bàn được thực hiện đồng bộ, chính sách vay vốn hỗ trợ có chọn lọc đối tượng, tập trung cho hộ nghèo, cận nghèo có gắn kết với các dự án khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm… tạo điều kiện cho các hộ nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và có điều kiện nâng cao thu nhập.Năm 2015, thành phố phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo, giảm xuống còn 1,84% tổng số hộ dân, hiện nay tại các quận, huyện có 3.577 người có việc làm sau đào tạo, chiếm tỷ lệ 74,83%. Để mục tiêu giảm nghèo đạt được các kế hoạch đề ra, trong các chương trình đào tạo nghề của thành phố thời gian qua đã đẩy mạnh việc tổ chức dạy nghề cho học viên và dạy nghề ngắn hạn cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và đối tượng là người khuyết tật nói riêng, đặc biệt phải tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo. Ngành LĐ-TB&XH thành phố luôn nâng cao chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Từ đó hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.Bên cạnh những giải pháp thực hiện các chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, trong thời gian tới Cần Thơ cũng sẽ kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm có chính sách tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nâng mức tiền ăn cho người nghèo, cận nghèo tham gia học nghề trong dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng nguồn vốn đầu tư phát triển cho TP Cần Thơ để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cân đối với nguồn vốn sự nghiệp đã đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mua sắm trang thiết bị đào tạo. Ngoài ra TP Cần Thơ cần phân bổ thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đảm bảo Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016.

 

NGUYỄN THANH XUÂN, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh