THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:57

Năm nhóm giải pháp triển khai để giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo 2011 - 2015: Những thành tựu

Từ năm 2011 đến nay, các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao đã ban hành và trình ban hành gần 100 văn bản liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo; Các chính sách giảm nghèo được tổ chức rà soát, Thiết kế lại theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng các chính sách cho vay có điều kiện, và mở rộng cho các đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chương trình 30a, Chương trình 135 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện đã tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập...). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không cần sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước.

Hộ nghèo huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội

Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước  đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 11,76% cuối năm 2011 (giảm 2,24%), 9,6% cuối năm 2012 (giảm 2,16%), 7,8% cuối năm 2013 (giảm 1,8%), 5,97% cuối năm 2014 (giảm 1,83%) và khoảng 4,5% cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013, 32,59% cuối năm 2014; dưới 28% cuối năm 2015. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong giai đoạn 2011- 2015.

Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ “Giảm một nửa số người nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới vào năm 2015”. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo; hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi,vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được tăng cường đầu tư, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là gương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu.

5 nhóm giải pháp để giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Lõi nghèo hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, các huyện vùng cao khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, từ trên 50% năm 2011 xuống còn khoảng 28% cuối năm 2015 ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi hiện tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60-70%; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Các chính giảm nghèo hiện hành tuy toàn diện, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế, bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ huyện Kông Chro (Gia Lai) học nghề dệt thổ cẩm

Để thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ 2011- 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chủ yếu:

Thứ nhất, đổi mới cách thức tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều nhằm phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, để tổ chức phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn. Trên cơ sở đó đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 phê duyệt Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 phê duyệt chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách giảm nghèo theo Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 theo hướng tập trung chính sách, phù hợp với nguồn lực và đặc thù của vùng dân tộc và miền núi; trong đó có các chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Các địa phương cần chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa hộ nghèo, vùng nghèo với nhà khoa học và doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương....

Thứ ba, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/ 11/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phê duyệt là một trong hai Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chủ yếu: Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020; góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bô, ngành, giữa trung ương và địa phương, phân định rõ trách nhiệm. Hoàn thiện hệ thống giám sát, đánh giá và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các cấp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, huy động nguồn lực, sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ngô Trường Thi- Vụ trưởng Chánh VPQGVGN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh