Giám thị thức trắng, chong đèn nổ máy phát điện để bảo quản đề thi
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:33 - 27/06/2019
Từ Hà Nội, vượt chặng đường đèo núi quanh co hơn 120 km, chúng tôi có mặt tại 3 điểm thi trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Kạn và trường THPT Nà Phặc (tỉnh Bắc Kạn) trong ngày thi thứ 2 của kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Không khí thi cử ở các điểm thi diễn ra hết sức nghiêm túc, thận trọng. Các thầy cô nơi đây cũng cùng trò vượt khó vì một mùa thi an toàn, hiệu quả.
Ông Ma Thế Quyên (Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn) – Phó trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tỉnh Bắc Kạn kể những câu chuyện mùa thi ở vùng khó của tỉnh.
Ông Ma Thế Quyên (Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn) - Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bắc Kạn có nhiều thuận lợi với sự chỉ đạo sớm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các trường (Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, Đại học Khoa học Thái Nguyên) với Sở GD&ĐT tỉnh cùng các ban ngành địa phương trong các công tác của kỳ thi”.
Bắc Kạn có tổng cộng 2.889 thí sinh đăng ký dự thi, tổ chức thành 13 điểm thi. Có những điểm thi rất khó khăn, không nằm trong khu vực trung tâm của huyện mà nằm ở cụm xã điển hình như điểm thi Yên Hân (huyện Chợ Mới), Bình Chung (huyện Chợ Đồn), Quảng Khê (huyện Ba Bể). Những điểm thi này có số lượng thí sinh đăng ký dự thi chỉ trên dưới 100 em, tổ chức làm 4 phòng thi. Địa hình các khu vực này bị chia cắt bởi nhiều sông suối, rất khó khăn trong di chuyển nhất là vào ngày mưa bão.
Để khắc phục, ban chỉ đạo thi của tỉnh cùng tỉnh uỷ, chính quyền địa phương đưa các em học sinh đến điểm an toàn để đảm bảo thời gian cho thí sinh dự thi theo đúng quy định quy chế thi.
Những điểm trường của tỉnh Bắc Kạn nằm ở khu vực đồi núi, giao thông đi lại còn vất vả.
Đặc biệt, những điểm thi này vào mùa mưa bão hay mất điện cho nên ban chỉ đạo thi của tỉnh và từng điểm thi luôn phải đề phòng máy nổ, đảm bảo hoạt động 24/24 để phục vụ cho thí sinh dự thi cũng như điện phục vụ cho phòng bảo quản đề thi, bài thi theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn kể: “Có điểm thi một đêm mất điện đến 6 lần vào đêm 23/6. Cả hai điểm thi nằm tại huyện Ba Bể. Lưới điện ở đó chỉ có một đường duy nhất, khi sấm sét hoặc mưa gió lớn toàn bộ trạm biến áp sẽ tự ngắt khi có sấm sét mạnh. Mỗi lần như vậy, giám thị lại phải tỉnh dậy nổ máy, một lúc sau điện có ổn định thì tắt máy, sau khi mưa to lại ngắt và cứ như thế”.
“Anh em báo cáo với tôi rằng: cứ như thế thì bọn em không có sức trông thi nữa vì cứ phải trông cái máy phát điện liên tục để đảm bảo theo đúng quy chế”, ông nói thêm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An kiểm tra công tác làm thi tại tỉnh Bắc Kạn ngày 26/6
Thí sinh đa số ở các xã xa đến thi, để đảm bảo thời gian cho thí sinh dự thi Sở vận động chính quyền địa phương và phụ huynh đưa các em đến các điểm trọ, nhà nghỉ hoặc phòng ký túc ở nhà trường được tận dụng cho học sinh ở.
Về nơi ăn chốn ở cho các thầy cô giáo đến trông thi ở 3 điểm thi khó khăn trên có một đặc điểm chung là không có nhà nghỉ cho nên giám thị được bố trí ở nhà công vụ cho giáo viên hoặc ký túc xá của học sinh.
“Các điều kiện ở mức độ cực kỳ tối thiếu nhưng các thầy cô trước khi làm thi đã được nắm tình hình trước và rất sẵn sàng cho dù điều kiện sinh hoạt khó khăn nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ”, ông Quyên cho hay.
Giám thị được điều chuyển chéo, điểm xa nhất giám thị phải đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh quãng đường gần 200 cây số. Các giám thị ở trong tỉnh đã tuyên truyền đề nghị thầy cô tự liên hệ người thân, người quen hoặc tự bố trí được cho giám thị. Các thầy cô hết sức vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ.
Anh Lăng Văn Hà cùng con gái nhỏ chở con gái đầu đến điểm trường dự thi cách nhà 40 km.
Có mặt ở điểm thi trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Kạn, anh Lăng Văn Hà (một phụ huynh) đưa con đi thi chia sẻ, gia đình anh ở “tận tít” trong huyện chợ Đồn, cách điểm thi của con 40km. Người bố ở tuổi 45 chia sẻ mộc mạc rằng, anh làm ruộng, không biết và dạy con được về kiến thức, chương trình học nhưng hôm nay, anh đã bỏ lên nương để đưa con gái đi thi.
“Cuộc đời của con thi có một lần thì mình không tiếc gì thời gian”, anh Hà cười nói.
Cũng đưa con trai đi thi ở điểm thi này, chị Trần Kim Anh cho hay, nhà chị cách trường thi 46km. Đường xá đi lại hiện nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều. “Con trai tôi nguyện vọng vào Học viện Cảnh sát. Ngồi chờ con ngoài cửa thế này, phụ huynh chúng tôi mong từng phút, từng giây, rất lo lắng”.
Các phụ huynh chờ con ngoài cổng trường.
Trong chiếc áo xanh tình nguyện, em Hoàng Thị Thuỳ Linh (học sinh lớp 10) và Nguyễn Thị Thu Hoài (học sinh lớp 11) vui vẻ hỗ trợ từng thí sinh những cốc nước giải nhiệt ngày hè. Thuỳ Linh chia sẻ: “Em biết đến và tham gia chương trình tình nguyện bởi vì nó được phát động bởi Đoàn TNCS HCM. Em rất vui vì được góp sức vào kỳ thi chung quan trọng mà cả nước hướng về”.
Thu Hoài và Thuỳ Linh hỗ trợ thí sinh những cốc nước giải nhiệt ngày hè tại một điểm thi ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Theo Dân Trí