Giám sát thực hiện BHXH ở 4 tỉnh: Nợ đọng gần 521 tỉ đồng
- Tra cứu phẫu thuật
- 23:56 - 09/04/2015
Năm 2014, Đoàn giám sát liên ngành (gồm 5 cơ quan: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam -cơ quan chủ trì); Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ LĐ-TB&XH; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ) đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện BHXH tại 12 DN thuộc 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, trong thời gian từ 21/10/2014 đến hết ngày 31/10/2014. Theo báo cáo, tại thời điểm giám sát, tổng số nợ BHXH của 12 DN là gần 7,2 tỷ đồng; trong đó, có 7/12 DN chưa thực hiện ký HĐLĐ và đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời cho người lao động; 4/12 DN hằng tháng vẫn trích trừ lương của người lao động nhưng không đóng vào Quỹ BHXH; 867 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia; 865 sổ BHXH của người lao động đã nghỉ việc, nhưng DN không trả sổ, cũng không bàn giao lại sổ BHXH cho cơ quan BHXH do không biết quy định người lao động sau khi nghỉ việc 12 tháng không đến nhận sổ BHXH thì DN có trách nhiệm bàn giao lại sổ cho cơ quan BHXH quản lý. Bên cạnh đó, một số DN may như Công ty TNHH Unico Global Việt Nam sử dụng 359 lao động thời vụ, thường xuyên biến động và có hiện tượng lao động nữ nghỉ hết 6 tháng thai sản là nghỉ việc; Công ty CP may Bắc Giang sử dụng thường xuyên 350 lao động học nghề... Tổng số có 739 người lao động làm việc thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc.
Nhiều lao động không được doanh nghiệp đóng BHXH (ảnh minh họa)
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, kết quả giám sát cho thấy tại 4 tỉnh trên đều có DN nợ BHXH, tổng số tiền nợ của 5.272 đơn vị của 4 tỉnh trên là gần 521 tỷ đồng. Đoàn giám sát đã có những kiến nghị cụ thể nhằm xử lý các hành vi trốn đóng BHXH; chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động; xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; khoanh nợ BHXH cho những DN thực sự khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và DN… Đồng thời kiến nghị với BHXH Việt Nam nghiên cứu có giải pháp đảm bảo quyền lợi người lao động ở các DN nợ BHXH. Báo cáo Chính phủ về tình hình nợ BHXH và đề xuất các giải pháp thu hồi, xử lý nợ xấu hoặc khoanh nợ đối với một số DN không có khả năng chi trả, để đảm bảo quyền lợi người lao động tham gia đóng BHXH.
Cũng theo ông Mai Đức Chính, thông qua giám sát, cơ bản đã đánh giá được tình hình thực hiện pháp luật BHXH của các DN trên địa bàn 4 tỉnh trên; đã phát hiện những ưu điểm và những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong chính sách và trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bắt buộc để kiến nghị hoàn thiện Luật BHXH và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội.
Theo kế hoạch, năm 2015 hoạt động giám sát tiếp tục được triển khai tại địa bàn 6 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp, An Giang. Phạm vi giám sát tập trung vào công tác phối hợp giữa MTTQ, Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra, Liên đoàn lao động và BHXH các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về đóng BHXH trong các loại hình DN đã thực hiện được trong năm 2014. Thực tế tại tất cả các DN được giám sát đều chậm đóng BHXH từ 1-2 tháng là rất đáng suy nghĩ, cùng với đó là tình trạng đóng không đủ tiền, thu tiền nhưng không đóng hoặc đóng không đủ đã gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị đoàn giám sát xây dựng danh mục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương để khắc phục những hạn chế trên. Đồng thời giám sát các địa phương triển khai việc tăng đối tượng tham gia BHXH, thực hiện Luật BHXH; tiến hành giám sát ở Trung ương về thực hiện bảo hiểm y tế, chính sách pháp luật về tiền lương trước khi tiến hành ở địa phương để tránh quá tải trong quá trình triển khai công việc.