Giám sát oan, sai trong việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự
- Pháp luật
- 15:50 - 26/12/2014
Thông qua và cho ý kiến 21 dự thảo luật
Tại kỳ họp thứ 9, QH sẽ dành 21 ngày để xem xét, thông qua 11 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 15 dự án luật; đồng thời, sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, QH sẽ dành 1 ngày để thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, như thông lệ, kỳ họp giữa năm thường tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng pháp luật, nên tại kỳ họp thứ 9, số lượng các dự án trình QH xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu rất lớn.
“Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, nội dung, tài liệu các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tại các phiên họp tháng 1, 2, 3, hạn chế tập trung vào phiên tháng 4 và tháng 5/2015”, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị.
Vụ án oan 10 năm của ông Chấn (Bắc Giang) được nhận định không phải là cá biệt.
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, để bảo đảm các dự án luật trình QH xem xét và thông qua đạt chất lượng, đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách vào tuần đầu tiên của tháng 4/2015, để cho ý kiến về một số dự án luật quan trọng: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)...
Lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ QH, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, các thành viên Ủy ban tiếp tục cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu QH tại kỳ họp thứ 8 để chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cơ bản nhất trí với những nội dung đã được Ban soạn thảo chỉnh lý cũng như nhất trí với toàn bộ nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, trong đó tập trung vào 10 vấn đề lớn, như trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, quyền nhân thân của cá nhân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Riêng quy định về hình thức sở hữu, có đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành với 6 hình thức sở hữu. Tuy nhiên, cần thu hẹp sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị kéo dài thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 5/1 đến 5/4/2015 và đến khi nào thông qua Bộ luật này. Với các vấn đề lớn xin ý kiến nhân dân, cần trình bày theo 2 phương án với lý lẽ, lập luận chặt chẽ, khách quan để nhân dân xem xét lựa chọn.