Giảm nghèo gắn với an ninh ở các xã vùng biên
- Dược liệu
- 21:41 - 05/03/2018
Theo đó, các Khu kinh tế quốc phòng (KTQP) phối hợp với địa phương quy hoạch ổn định dân cư đỡ đầu, đón nhận được trên 100.000 hộ dân. Trong đó đỡ đầu, ổn định tại chỗ giúp dân xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho trên 62 nghìn hộ dân; đón nhận, sắp xếp được gần 25 nghìn hộ. Những kết quả này đã làm thay đổi bức tranh về bố trí dân cư và cơ cấu dân cư dọc biên giới phù hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Xây dựng 276 bản, điểm dân cư; gần 1.000 km đường giao thông thiết yếu để phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng an ninh và các lớp học, điểm trường, nhà trẻ mẫu giáo; các công trình cấp điện sinh hoạt; công trình cấp nước sạch; trại chăn nuôi; trại cây giống; chợ nông thôn và các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ phục vụ sản xuất;... cùng nhiều công trình khác nhằm duy trì cuộc sống cho các hộ dân tại nơi vùng biên còn gian khó.
Chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu) giúp người dân bản Pờ Sa (xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ) sản xuất lúa mùa.
Phát triển sản xuất là lĩnh vực có nhiều hiệu quả để đạt được mục tiêu giảm nghèo gắn với đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng an ninh, như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Công ty Cà phê 15 đã trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung giúp bà con vùng Tây Nguyên khai hoang trồng cao su, cà phê, điều cao sản, cây nguyên liệu giấy... tạo việc làm đảm bảo đời sống cho nhân.
Ở các Khu KTQP không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung thì các Đoàn KTQP đã hướng dẫn, hỗ trợ và giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, xây dựng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, tổ chức hiệu quả các mô hình khuyến nông, khuyến lâm thông qua năng lực hoạt động của lực lượng Trí thức trẻ tình nguyện... Từ khi triển khai chương trình 135 đến nay với số vốn lồng ghép không nhiều, các Đoàn KTQP đã hỗ trợ được cho trên 5.100 hộ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất. Đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây lương thực; cây công nghiệp; cây ăn quả; hướng dẫn bà con xây chuồng trại, nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ máy xay sát; cơ sở chế biến nông sản...
Tại các vùng biên nhạy cảm, Bộ Quốc phòng đã xây dựng 11 điểm sắp xếp ổn định dân cư gắn với các đồn Biên phòng để phát triển sản xuất, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn đồng thời gắn với thế trận quốc phòng trong lòng dân tại 10 tỉnh (Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn la, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắc, Đắk Nông, Cao Bằng).
Để góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con, từ mô hình nhân rộng giảm nghèo Viettel đã kết hợp với BTL Biên phòng thực hiện việc tặng bò cho các hộ dân vùng biên ở 11 tỉnh biên giới (nuôi và phát triển được hơn 11.000 con). Trong đó tỷ lệ số bò được phân bổ/tổng số hộ nghèo trung bình của 11 tỉnh đạt 2%.
Tại các bản định cư, di dân đều được xây dựng nhà văn hoá, lớp học tại bản; một số bản, cụm bản được trang bị hệ thống phát thanh nội bộ nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân một cách hiệu quả. Trẻ em tại các thôn bản sâu xa nhất đã được đến trường học chữ ngay tại nơi sinh sống của mình, có những nơi sĩ số lớp học chỉ từ 5 đến 10 em nhưng quân số học tập luôn đạt 100%, thầy cô yên tâm và ổn định dạy dỗ các em. Theo vị trí đóng quân, mỗi Đoàn KTQP đã triển khai 1 đến 3 trạm thu phát truyền hình phục vụ đơn vị và phục vụ nhân dân. Thông qua truyền hình, Đoàn KTQP đã tuyên truyền giải thích chủ trương của Đảng và Nhà nước và hướng dẫn thực hiện khuyến nông, khuyến lâm cho đồng bào.
Mỗi Đoàn KTQP đều triển khai từ 1 đến 3 bệnh xá quân dân y kết hợp, cán bộ y tế của Đoàn xuống các thôn bản khám bệnh và phát thuốc cho dân và kết hợp tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho cán bộ y tế thôn bản. Bên cạnh đó, hỗ trợ trang bị y tế, xe cứu thương, tiền thuốc, tiền ăn cho đồng bào dân tộc khi điều trị tại bệnh xá, bệnh viện.
Để triển khai thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn kinh phí Nhà nước thông qua Bộ LĐ-TB&XH dành cho Bộ Quốc phòng. Đã triển khai hiệu quả các dự án này tại khu vực phía Bắc và Miền Trung, trong vùng dự án của 13 Khu KTQP. Đã tổ chức được hơn 140 mô hình và hội nghị đầu bờ, hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đã có trên 10.000 lượt hộ nghèo được thụ hưởng dự án.
Bên cạnh đó, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và cử cán bộ trực tiếp tham gia các tổ công tác của địa phương tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình dự án thuộc NQ30a, NQ80. Tập trung vào các nội dung thiết thực như: Vận động nhân dân tham gia chương trình đào tạo nghề giải quyết việc làm, đi xuất khẩu lao động, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, khai hoang phục hoá tạo ruộng bậc thang, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thực hiện chính sách xuất khẩu lao động và hướng dẫn khuyến nông khuyến lâm, phổ biến nghị quyết đến nhân dân, tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản hướng dẫn vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân tộc…
Đồng thời triền khai việc hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo. Giám sát thực hiện công tác xóa nhà tạm, chủ động tư vấn, hướng dẫn nhân dân tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ kinh phí, vật tư, cây, con giống phát triển sản xuất, cấp bò sinh sản và lợn giống cho hộ nghèo. Hỗ trợ mua phân bón, hỗ trợ mua giống thuỷ sản, hỗ trợ hộ nghèo mua giống trồng cỏ chăn nuôi gia súc, hỗ trợ khai hoang, phục hóa, khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, tiêm phòng gia súc, gia cầm, các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư khác…