THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:13

Nguồn lực chính sách giảm nghèo hiệu quả

 

Tín dụng chính sách trong chương trình giảm nghèo bền vững

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra từng mục tiêu cụ thể. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và cải thiện những vấn đề đặt ra nói trên:

Thứ nhất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để phấn đấu đạt mục tiêu này, năm 2017, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% các xã, phường trên toàn quốc và giúp gần 400.000 hộ vượt ngưỡng nghèo.

Thứ hai, mục tiêu cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Cùng đồng hành với mục tiêu này, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thu hút và tạo việc làm cho trên 204.000 lao động, giúp gần 400.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 65.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm.

 

 Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng, đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người nghèo.

 

Thứ ba, với mục tiêu cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt, Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình cho vay để xây dựng nhà ở, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong năm 2017, vốn tín dụng chính sách hỗ trợ xây dựng gần 46.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng tại địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, doanh số cho vay đến hết 2017 đạt 4.265 tỷ đồng/148.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 14.125 tỷ đồng/545 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ bình quân huyện nghèo là 221 tỷ đồng. 

Tín dụng chính sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới bao gồm “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”. Theo đó, có 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới được xây dựng tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016 củaThủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

 

Nguồn vốn ưu đãi đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững.

 

Trong 19 tiêu chí này, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp người dân các xã đang xây dựng nông thôn mới, đạt một số tiêu chí như: Về tiêu chí việc làm, năm 2017, vốn tín dụng chính sách đã giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 204.000 lao động; giúp gần 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tiêu chí giáo dục và đào tạo, vốn tín dụng chính sách giúp gần 65.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm. Với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, vốn tín dụng chính sách đã góp phần xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn. Tiêu chí nhà ở dân cư, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ xây dựng gần 46.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ dân vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Ngân hàng Chính sách xã hội coi việc tăng cường nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ, hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại các xã đang xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2017, tổng doanh số cho vay cho các xã này đạt gần 34.000 tỷ đồng, chiếm trên 61% tổng doanh số cho vay của NHCSXH; tổng dư nợ các xã nông thôn mới đạt 108.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 63,3% tổng dư nợ.

Với số vốn tín dụng chính sách trên, năm 2017, tại các xã nông thôn mới đã có trên 1,3 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 80.000 lao động, trong đó có trên 2.000 lao động di làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 37.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên 514.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 25.000 căn nhà ở cho hộ nghèo…

 

 

Trong những năm tới, Ngân hàng Chính sách xã hội bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của của tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Phối hợp hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm... Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân đều biết, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.

 

Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi Công cụ chính sách hiệu quả nhất

Cùng với việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thì việc tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn, quy mô, bài bản theo hướng xã hội hóa ngày càng cao.

Trong giai đoạn tới, theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận giảm nghèo đa chiều, hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, mở rộng chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vai trò tín dụng ưu đãi của NHCSXH ngày càng quan trọng, đòi hỏi hoạt động của cả hệ thống và chất lượng tín dụng phải được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị: “ Tín dụng chính sách cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng, lấy người nghèo làm chủ thể, lồng ghép với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ các chương trình dự án khác, vốn đối ứng của hộ nghèo để tạo ra gói hỗ trợ đủ độ, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững; Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhất là đối với các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, giúp người nghèo tiếp cận và tham gia được vào chuỗi giá trị thị trường; Thông qua hoạt động cho vay của mình, đề nghị NHCSXH từng bước hỗ trợ người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, góp phần nâng cao thu nhập, có điều kiện tiếp cận tốt hơn về chăm sóc sức khỏe, thông tin để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho tín dụng chính sách để bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh