CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:26

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: “Đột phá hay bất thường hiện giờ tôi chưa có kết luận”

 

Sáng 14/7, trả lời báo chí liên quan đến lùm xùm điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 cao bất thường, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết, chưa có kết luận về nghi vấn trong khâu coi thi, chấm thi của Sở GD&ĐT tỉnh này.

“Đột phá hay bất thường đến giờ phút này tôi chưa có kết luận, vẫn đang trong quá trình rà soát. Bây giờ báo chí và dư luận nói như vậy nhưng tôi không thể nói theo dư luận, phải nói theo thực tế. Sau khi có kết quả rà soát nghiêm túc, khách quan, lúc đó chúng tôi mới nói đến câu chuyện như thế nào. Đổi mới trong giáo dục thì cả nước chúng ta làm và đương nhiên Hà Giang cũng phải trong guồng máy đó”, ông Vũ Văn Sử nói.

Ông Sử cũng đưa những ví dụ về sự thành công của cải cách giáo dục tỉnh Hà Giang: “Trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ vừa qua, toàn quốc có 9 học sinh sang Singapore dự thi vòng chung kết thì có 6 em đạt huy chương, trong đó có 1 học sinh của Hà Giang. Báo chí cũng đã biết rất nhiều. Tôi cho rằng đây cũng là một kết quả nhất định”.

 

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang.


Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Giang phối hợp Học viện Ngân hàng, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang thực hiện khâu coi thi. Quá trình chấm thi trắc nghiệm đều có sự giám sát của công an, tất cả mọi hoạt động đều phải có biên bản và chữ ký. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn cử 2 thanh tra về địa phương. Dữ liệu điểm thi bản gốc có 2 đĩa, một do chủ tịch hội đồng là ông Sử giữ, một đĩa gửi Bộ GD&ĐT.

Trước những dư luận về kẽ hở trong quá trình giám sát, ông Sử khẳng định Sở GD&ĐT Hà Giang đã làm những gì cần làm. Nơi chấm thi được chọn là nơi rất yên tĩnh và cách biệt với khu dân cư. Số lượng người tham gia quá trình chấm bao gồm công an, bảo vệ, lực lượng chấm thi và máy móc có chất lượng tốt. Ngoài ra còn có rất nhiều biện pháp để nâng cao bảo mật và đảm bảo sự an toàn khách quan.

“Chúng tôi lắp hệ thống camera giám sát để bảo vệ nơi lưu giữ bài thi và hồ sơ bài thi theo chế độ bảo mật. Cửa khoá bằng hai khoá. Đồng chí Trưởng ban chấm thi giữ một chìa và Trưởng ban thư ký giữ một chìa và phòng đó được mở khi nào thì quy chế đã nói. Mọi thứ dù có chặt chẽ đến đâu, dù có thể nào thì phải xuất phát từ chính bản thân con người chúng ta tham gia, nhận thức, trách nhiệm và vai trò của mình với mình, với người và xa hơn nữa là với nhân dân”, ông Sử nói.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Nếu phát hiện bất thường, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức chấm thẩm định bài thi ở địa phương để phát hiện sai sót.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Ban chỉ đạo thi quốc gia tại Hà Giang.

Nếu đúng địa phương này có sai phạm trong quá trình làm thi quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế để làm được việc đó rất khó khăn. Bởi tất cả quy trình tổ chức kỳ thi được thực hiện đảm bảo, với sự giám sát của nhiều bên, từ tổ chức thi, không cho phép thí sinh nhìn bài nhau, đến chấm trắc nghiệm. Do đó, việc hỗ trợ nhau trong phòng thi cũng như hỗ trợ trong coi thi hầu như không có. Việc gian lận trong thi cử, Bộ đang cho rà soát, nếu có việc đó cũng dễ dàng phát hiện để xử lý.

Để phát hiện được sai sót, Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, từ tổ chức thi, coi thi và chấm thi có chặt chẽ không. Tất cả những điều này đã nói rất rõ trong quy chế thi.

Quy chế thi cũng quy định, nếu phát hiện bất thường, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức chấm thẩm định bài thi ở địa phương để phát hiện sai sót.

C.H (t/h theo Vov và Laodong)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh