THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:44

Giảm bớt khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ

 

Liên quan điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án tòa án Nhân dân TP Hà Nội (đoàn Hà Nội) cho biết, ông nhất trí với phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

“Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, bảo đảm an toàn cho quỹ BHXH, đồng thời, giảm bớt khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa phụ nữ và nam giới, đảm bảo bình đẳng giới, theo tôi là cần thiết. Tôi cho rằng, phương án 1 là tối ưu vừa tránh sốc cho thị trường lao động, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm cho những người kế cận”, ông Chính nói.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) dẫn chứng đánh giá của WHO, đó là trong số những người đã về hưu (nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60), vẫn có tới 42% số người tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, vừa hưởng lương hưu, vừa hưởng tiền lương làm thêm.

Ông Lợi cũng cho rằng, lương hưu bình quân của NLĐ nhìn chung còn thấp, đặc biệt giáo viên mầm non lương chưa đến 1.390.000 đồng- không bằng tiền lương cơ sở.

Do đó, nếu kéo dài thời gian làm việc, chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí, để khi NLĐ về hưu có mức lương hưu cao hơn.

“Đáng chú ý, chính sách BHXH hiện nay được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, tức là “có đóng, có hưởng”, “đóng cao hưởng cao” và tiền lương được tính bình quân cả quá trình tham gia BHXH. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với thực tế”, ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, “Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam, thậm chí có quốc gia tuổi nghỉ hưu là 70-75 tuổi. Điều đó cho thấy, tăng tuổi lao động đến thời điểm này là hợp lý, khi tuổi thọ của người dân tăng, sức lao động cũng tăng”, ông Phương khẳng định.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đưa ra 02 phương án trình Quốc hội xem xét. Trong đó, phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 01 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề rằng tại sao không để cho từng bộ ngành đặt ra các quy định thời gian hết tuổi lao động? Về điều này, phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Đặt vấn đề như thế cũng không sai".

"Hiện nay Luật công an nhân dân, Luật toà án, Viện kiểm sát... cũng đã có quy định, nhưng đó chỉ là quy định của từng ngành. Cần có một bộ luật mang tính quốc gia quy định về độ tuổi lao động. Bộ luật này sẽ dẫn chiếu ra các bộ luật và luật khác để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật”, ông Lợi nhấn mạnh.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh