THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:16

Giai thoại hòn đá "nuốt người" ở Tây Nguyên

 

Mục sở thị hòn đá có giai thoại “nuốt” người

Chúng tôi vượt 60 km từ thành phố Buôn Ma Thuột về phía nam dọc theo Quốc lộ 27 hướng đi Đà Lạt, đường đến huyện Lắk uốn lượn, vòng vèo, những khóm trúc cong vút, xoè tán lá kim như đuôi Phụng... hoang sơ và đẹp như một bức tranh khiến dân phượt không khỏi mê mẩn. 

Vừa chạm địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk, một tảng đá lớn sừng sững giữa bạt ngàn màu xanh cỏ cây hiện ra trước mắt. Dù chưa kịp hỏi người dân nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi dường như đã chắc chắn với nhau rằng đó chính là đá voi cha được nhắc đến trong câu chuyện kỳ lạ của người dân Tây Nguyên. Nằm trên một thung lũng trù phú, cây cối xanh tốt quanh năm, cuộc sống của người dân mà đa phần là người M'Nông khá yên bình, no ấm với hai mùa gieo gặt bên cánh đồng lúa rộng lớn.


Đá voi cha nằm giữa những dãy núi trùng điệp (xã Yang Tao).


Người M’Nông rất mến khách, họ đón chúng tôi bằng sự chân thành, niềm nở vốn có. Khi được hỏi về thần đá hiển linh với hòn đá hình dáng khổng lồ giống chú voi, già Y’Ruê Ê Nuôi (73 tuổi) vui vẻ, cởi mở với ánh mắt đầy xúc cảm. "Chẳng ai biết đá voi cha và đá voi mẹ có từ bao giờ, chỉ biết từ đời ông, đời cha của mình đã thấy chúng hiện hữu ở nơi này. Vì chúng có hình giống với những con voi nên dân làng gọi là đá voi. Từ bao đời nay, đá đã trở thành người bạn thân thiết của những người dân trong vùng. Đối với đá, họ luôn trân trọng, nâng niu không bao giờ xâm hại", già Y’Ruê Ê Nuôi cho biết.

Cũng theo lời già Y Ruê: Nghe ông bà kể lại thì ban đầu, đá rất mềm, giống như một bãi đất bùn được đùn lên từ mặt đất. Mọi người thi nhau trèo lên mình đá chạy nhảy, đùa giỡn một cách vô cùng thích thú. Sau đó, đá bỗng dưng cứng lại như bây giờ, trên lưng vẫn lưu giữ dấu chân của những người đã từng vui đùa trên đó. Sau nhiều lần dịch chuyển, đá voi cha đã tiến về sát chân núi. Còn đá voi mẹ lúc đầu, nằm ở phía Bắc, hướng mặt ra hồ Lăk. Nhưng chỉ sau một đêm, người ta đã thấy tảng đá khổng lồ này hiện ra sừng sững trên một cánh đồng bằng phẳng giữa thung lũng rộng mênh mông. Hiện nay cạnh đó, vẫn còn hai mương nước chạy dài, song song được cho là bằng chứng xác thực nhất về đường dịch chuyển của đá?


Đá voi mẹ sừng sững giữa cánh đồng bằng phẳng.


Già Y Ruê chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về một giai thoại: Một ngày nọ, có hai chị em gái là H’Hoa và H’Thảo con nhà phú ông Y’ Thui Ê Đuôn thuộc hàng giàu có trong buôn, vào một buổi chiều gió mát hai chị em trèo lên mình đá chơi say sưa không muốn về nhà. Đúng lúc "thần đá" chuyển mình sang thể cứng, bỗng nhiên, hai bàn chân cô chị H’Hoa lún xuống mình đá, cố gắng kéo lên mãi không được. Gia đình phú ông Y’ Thui huy động toàn bộ sức lực của những chàng trai trong bản làng, dùng đến voi, trâu làm sức kéo nhưng cũng không có kết quả. Sau 7 ngày 7 đêm, cô gái 17 tuổi đẹp như tranh - hoa khôi của cả bản bị nuốt gọn vào trong mình đá không để lại dấu vết. Đêm hôm đó người nhà cô gái đồng loạt chiêm bao thấy H’Hoa mặc váy đẹp lung linh nói với người thân rằng, cô đang sống rất hạnh phúc với Yang Tao (thần đá). Cô nhắn bà con không phải buồn đau suy nghĩ nhiều nữa, "thần đá" sẽ phù hộ cho dân bản.

Dấu tích "thần đá voi"

Chúng tôi đến gần hơn hòn đá huyền thoại, thấy hình dáng của đá voi cha quả nhiên giống một con voi khổng lồ giữa thung lũng Yang Tao thơ mộng, mặt hướng về phía những dãy núi điệp trùng của Tây Nguyên hùng vĩ. Dưới chân tảng đá này là vô số những đóa hoa dại, bướm bay lượn xung quanh tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời nơi hoang dã. Còn đá voi mẹ nằm cách đó chừng 5 km giữa  cánh đồng lúa mênh mông. Bà H’Thoan (66 tuổi) sống ở cánh đồng Yang Tao, mưu sinh ngay cạnh “thần đá”. Những dấu tích của đá, bà tường tận từng chi tiết. Bà chỉ cho tôi xem những dấu chân bí ẩn nào đó còn in hằn trên mình đá, và nói "không biết đó là dấu chân của ai, có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi thấy hòn đá, dân làng đã thấy các dấu tích đó rồi. Tôi nhìn thấy rõ từng chi tiết dấu chân con người rải rác từ chân lên tới thân hòn đá. Ngoài ra, còn có dấu vết của các loại chân chim, chân chó, bò, dê… lác đác khắp nơi, khô khốc, sâu hoắm". Khi tôi định tiếp tục leo lên bà H’ Thoan vội nói: "Mùa này gió to không nên trèo lên "lưng đá voi" cha, gió sẽ quật ngã đó. Lững thững đi xuống, bà kể thêm "nghe những người già trong làng bảo rằng cái hố sâu màu trắng trên lưng đá voi cha là hố đã "nuốt" cô H'Hoa.


Những vết tích trên thân đá voi.

 

Khi chúng tôi đang loay hoay ở chân đá voi, ông Y Niên H’Brông (32 tuổi) chăn bò gần đó tiến lại gần nói: Đá voi cha thiêng lắm. Người dân trong vùng xem như một vị thần tình yêu đầy quyền năng, có thể bảo vệ và che chở cho tình yêu của họ vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời, vững bền mãi mãi. Họ thường đến đá voi cha và kể những câu chuyện tình yêu của mình với niềm tin "đá có thể thấu hiểu tất cả và gửi thông điệp của trái tim đến với người mình yêu và mang người ấy đến với mình". “Chính Y Niên H'Brông cũng đã từng ngồi hàng giờ kể lể với đá voi cha về cô gái mà mình đã đem lòng thầm thương trộm nhớ từ lâu. Không ngờ một lần chẳng hiểu vì tình cờ hay vì đá "thần tình yêu" đã thấu hiểu lòng anh mà chỉ lối đưa đường. Cô gái ấy đến bên tảng đá nơi anh ngồi và họ đã "say" nhau từ phút ấy", Y Niên kể lại.

Câu chuyện ly kỳ không chỉ dừng lại ở những vết tích lồi lõm của thời gian trên mình đá. Già làng Y Ruê chỉ cho tôi những vết tích được cho là “vết máu” loang lổ trên thân hòn đá và nói "trước đây đã có một số người mang dụng cụ đến với ý định khai thác đá voi cha. Nhưng khi chiếc dùi đục bằng sắt vừa chạm vào đá, người ta đã thấy một dòng máu trào ra ngay chỗ vừa đục. Quá hoảng sợ, họ vội vã bỏ chạy và chẳng bao giờ dám quay trở lại đây nữa. Cũng kể từ đó, người ta thấy đá voi cha không còn di chuyển nữa.

Xung quanh giai thoại về đá voi cha và đá voi mẹ, ông Y Khương H'Long, Phó chủ tịch xã Yang Tao cho biết, hai tảng đá này rất thân thiết với những người dân trong vùng. Người dân luôn tin vào những câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Trước đây, người dân đã từng lập miếu thờ dưới chân tảng đá được cho là đá Voi cha nhưng chính quyền đã giải thích cho bà con hiểu để tránh mê tín dị đoan. Từ đó, việc thờ cúng ở đây không còn nữa nhưng người dân thì vẫn luôn tin vào sự linh thiêng của những tảng đá này.


Hố trên đỉnh đá Yang Tao được cho là nơi nuốt cô H'Hòa.


Quanh chân đá, người ta không thể giải thích được vì sao lại có vô số những mạch nước ngầm trong vắt, mát lạnh ngày đêm chảy róc rách. Bà con đi làm đồng thường dùng nước đó uống, cảm giác như được Giàng đá bảo hộ và mang lại nhiều may mắn.

Nói về hòn đá thiêng của dân tộc mình, ông Y Khương cho biết thêm: “Đá Yang Tao là linh hồn của đồng bào M’nông. Họ tín ngưỡng đá như một vị thần che chở và bảo vệ sự sống của buôn làng. Hòn đá không chỉ là chứng tích của lịch sử mà còn là dấu ấn bản sắc văn hóa buôn làng. Đá Yang Tao được bảo vệ và giữ nguyên hiện trạng nhiều đời qua là nhờ bà con dân bản rất có ý thức. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học, nhà địa chất sẽ tìm đến để nghiên cứu về loài đá khổng lồ này, hy vọng sẽ tìm ra những lời giải, những căn nguyên chính xác về sự hình thành cũng như những dấu tích trên hòn đá, chứ không phải dựa vào truyền thuyết như bây giờ”.

LÊ NHUẬN-NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh