Giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực là vấn đề ưu tiên hàng đầu
- Tây Y
- 17:34 - 30/09/2022
Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Công chúng hàng năm của WTO, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala cho biết: “Bóng ma của việc không có đủ thức ăn là điều đáng lo ngại. Vì vậy, đối với tôi, đó là vấn đề hàng đầu.” Theo bà Okonjo- Iweala, sau an ninh lương thực là khả năng tiếp cận năng lượng.
Bà cho rằng an ninh lương thực và năng lượng đang là vấn đề mà thế giới phải đối mặt và các nước thành viên WTO cần thúc đẩy các giải pháp cho các vấn đề này. Bà Okonjo-Iweala cho biết một số nước thành viên WTO đã đi đúng xu hướng khi 15 trong số 57 chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón được áp dụng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine đã được loại bỏ, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các hạn chế này cuối cùng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Theo bà Okonjo-Iweala, việc chấm dứt xung đột có thể không giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng sẽ đóng góp quan trọng để tháo gỡ bế tắc.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và WTO đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu. Bà Ngozi Okonjo-Iweala khi đó khẳng định đại dịch COVID-19, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế và cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng các thị trường thực phẩm, nhiên liệu và phân bón vốn có liên kết với nhau. Theo WFP, đến tháng 6/2022, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng - những người có khả năng tiếp cận thực phẩm trong thời gian ngắn bị hạn chế đến mức cuộc sống và sinh kế của họ đang gặp nguy hiểm - đã tăng lên 345 triệu người ở 82 quốc gia.
Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc cảnh báo, các cuộc xung đột và những tác động liên quan đến khí hậu sẽ vẫn là những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực. Theo đó, ông kêu gọi các nước tăng cường khả năng chống chịu và nỗ lực hơn nữa vì hòa bình.
Theo ông Khuất Đông Ngọc, giá lương thực toàn cầu tăng vọt, một phần do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đang gây ra "những tác động nghiêm trọng" đối với chuỗi cung ứng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Ông nêu rõ: “Thiệt hại về người, xã hội và kinh tế do xung đột luôn rất lớn, vì vậy hòa bình là điều kiện tiên quyết để phục hồi các hệ thống nông nghiệp - thực phẩm quốc gia và quốc tế”.
Tổng giám đốc FAO lưu ý xu hướng trên ảnh hưởng đến cả hai phía của quy trình cung cấp thực phẩm, theo đó giá lương thực rất cao đối với người tiêu dùng, trong khi chi phí đầu vào rất cao đối với nông dân. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng về tiếp cận lương thực trở thành một cuộc khủng hoảng về cung cấp lương thực".
Trước đó, FAO đã đề xuất xây dựng quỹ tài trợ nhập khẩu lương thực nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương về kinh tế tiếp cận nguồn tín dụng để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp cũng như đầu tư vào các hệ thống sản xuất lương thực nội địa bền vững. Tất cả 5 mức cao nhất Chỉ số giá lương thực của FAO đều đã được ghi nhận trong năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao và các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến xung đột ở Ukraine. Chỉ số này đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây và dữ liệu mới về chỉ số tháng 9 dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 10 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa triệu tập Hội nghị Nhà Trắng về nạn đói, suy dinh dưỡng và y tế để chấm dứt nạn đói và giảm các bệnh liên quan vấn đề dinh dưỡng tại Mỹ. Nhà Trắng đã công bố kế hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2030, Mỹ sẽ chấm dứt nạn đói và giảm các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Hơn 100 tổ chức cam kết dành 8 tỷ USD xây dựng chiến lược quốc gia chấm dứt nạn đói và bệnh béo phì. Trong đó, 4 tỷ USD dành cho việc tăng cường khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và mở rộng các hoạt động thể chất; 2,5 tỷ USD giúp tìm kiếm giải pháp cho vấn đề mất an ninh lương thực và nạn đói.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Nhà hàng quốc gia sẽ mở rộng một dự án nhằm tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận thực phẩm lành mạnh hơn tại 45.000 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Burger King. Ngoài ra, tập đoàn truyền thông và công nghệ thông tin Cisco sẽ đóng góp 500 triệu USD trong 5 năm cho việc cung cấp các bữa ăn lành mạnh hơn cũng như sản xuất thực phẩm ở các khu vực mà công ty kinh doanh.
Theo các quan chức Nhà Trắng, tất cả đều cam kết thực hiện một cách quyết liệt và trong một số trường hợp, các cam kết chuyển đổi mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại sự cải thiện về mặt dinh dưỡng, thúc đẩy hoạt động thể chất và giảm nạn đói cũng như các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống trong 7 năm tới.
Mặc dù chương trình chi tiêu trên không có cơ chế thực thi, song các quan chức khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trên để đảm bảo việc thực thi đầy đủ các cam kết. Các cam kết trên được công bố khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội thảo về "Nạn đói, dinh dưỡng và sức khỏe." Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết tại hội thảo, Tổng thống Biden sẽ kêu gọi chính phủ, quốc hội, các công ty tư nhân và cả xã hội cùng chung tay để đạt được mục tiêu chấm dứt nạn đói và giảm các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống tại Mỹ vào năm 2030.
Nhà Trắng cho biết, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca bệnh tiểu đường type 2, béo phì, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư, đồng thời cảnh báo đây là một vấn đề phức tạp, khó có thể giải quyết trong "một sớm một chiều". Thống kê cho thấy, gần 42% người trưởng thành ở Mỹ bị béo phì và hơn 10% hộ gia đình chịu cảnh mất an ninh lương thực.