CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2022.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2022.

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương tăng cường kiểm soát giá thịt lợn, bình ổn nguồn cung thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới. Đồng thời, cử các đoàn công tác kiểm tra tại các tỉnh biên giới và một số địa phương chăn nuôi trọng điểm.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, chăn nuôi thuận lợi do giá thịt lợn hơi ổn định trong khoảng 62.000 - 71.000 đồng/kg. Hiện tại, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng cường nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới.

Thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, ngành nông nghiệp TP phát triển ổn định, diện tích rau đạt gần 23.900ha, tăng 2,3%; cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng đàn lợn của TP cũng duy trì gần 1,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 39,7 triệu con; đàn trâu, bò hơn 163.000 con. Hà Nội đang hướng tới các mô hình chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: “Ngành nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô song song với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường”

Với mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương tạo cơ chế khuyến khích sản xuất hữu cơ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Từ nay đến cuối năm chi phí vật tư đầu vào còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như: Gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây...

Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, hay xảy ra mưa bão, trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Đề cập đến giải pháp giảm giá thịt lợn ngoài thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thừa nhận, thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5-1,7 lần. Việc này, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm. Nhưng chắc chắn khi giá lợn hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt lợn ở chợ sẽ ổn định theo.

Phân tích về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn thương phẩm sẽ tăng trung bình khoảng 8 - 10%.

Do đó, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT cần khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tái đàn trong nước và sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng.

THANH MẠNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh