THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:43

Giải quyết kịp thời, thấu đáo, có tình, có lý về chính sách người có công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim Hoa. (Ảnh tư liệu)

Đời sống người có công không ngừng được nâng lên

Báo cáo với Bộ trưởng về công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục người có công cho biết: Triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi (Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH), Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư, 4 Thông tư Liên tịch hướng dẫn các quy định của Pháp lệnh. Các Bộ Xây dựng, Tài chính, Quốc phòng cũng ban hành 4 thông tư về các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, thực hiện Pháp lệnh số 05/2012/PL-UBTVQH ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành 1 Nghị định và 1 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Công Thái báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng

Từ năm 1947 đến nay, qua các thời kỳ, hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công đã được hình thành và từng bước hoàn thiện với trên 1.400 văn bản quy phạm pháp luật và từng bước đáp ứng, cơ bản thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo môi trường pháp lý để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện dể người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định được vị thế trong cộng đồng...

Hiện nay cả nước đã xác nhận gần 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có hơn 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH còn thức hiện trợ cấp cho trên 91 nghìn thành niên xung phong được giải quyết trợ cấp một lần; khoảng 30 ngàn người tham gia kháng chiến hưởng trợ cấp một lần. Các đối tượng người có công được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như: trợ cấp; bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo; ưu tiên vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hồ trợ cải thiện nhà ở; hưởng chế độ mai táng phí khi mất, trợ cấp tiền tuất hàng tháng... Các công trình ghi công liệt sỹ được các địa phương quản lý, chăm sóc, sửa chữa tu bổ hàng năm. Bên cạnh đó,  công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin theo Đề án 150/QĐ-TTg đang tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: chế độ trợ cấp người phục vụ; giám định đối với người bị thương đã được kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật dưới 21%; điều kiện hưởng tuất người có công đối với con đã trưởng thành; thẩm quyền và trách nhiệm công nhận người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và từ 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945...

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2016 – 2020, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tới chính sách ưu đãi người có công, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về mức sống của người có công và công nhận xã, phường làm tốt công tác người có công đề ra từng năm; thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công có khó khăn về nhà ở; thực hiện đề án xác định xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng...

Đa số người có công đã hưởng đúng, hưởng đủ các chính sách

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí cho biết, Chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” với 7 đối tượng người có công  cho thấy số người hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.769 người (chiếm 95,75%). Số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm 4,16%) trong đó đã giải quyết 54.299 trường hợp. Số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (chiếm 0,09%). Điều này khẳng định tuyệt đại đa số người có công đã hưởng đúng, hưởng đủ các chính sách. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của ngành.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí phát biểu

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí đề nghị, cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn động về tiền khởi nghĩa, các hồ sơ đối với người có công, xác định danh tính liệt sỹ, xây sửa nhà cho gia đình chính sách...

Sau khi lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, lãnh đạo các Cục, Vụ về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực Người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục Người có công đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định: Bộ LĐ- TB&XH là Bộ quản lý đa lĩnh vực toàn những vấn đề lớn, vấn đề nhạy cảm liên quan sát sườn đến đời sống dân sinh kinh tế, và đặc biệt chúng ta có trách nhiệm phục vụ các chính sách đối tượng người có công và  xã hội. Trong thời gian tới có 2 vấn đề là những thách thức với lãnh đạo Bộ: Phải giải quyết làm sao cho kịp thời, hiệu quả, chặt chẽ, thấu đáo, có tình, có lý  cơ bản những vấn đề chính sách người có công. Thời gian tới Việt Nam tham gia rất sâu, rất có hiệu quả vấn đề các tổ chức lao động và quản lý lao động nhất là khi tham gia vào Hiệp định TPP. Tất cả những  vấn đề đó liên quan đến lao động việc làm mà đòi hỏi ngành LĐ-TB&XH cần phải nỗ lưc hơn nữa.

“Việt Nam có 8, 8 triệu người có công. Không một đất nước nào có số lượng người có công nhiều đến như vậy. Chúng ta có làm bao nhiêu cũng  không đền đáp đủ sư hy sinh mất mát của những người có công” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bộ trưởng, nhìn lại bức tranh vừa qua các chính sách và việc thực hiện chính sách của ngành LĐ-TB&XH đã bao quát tương đối toàn diện, cụ thể và các chính sách công khai minh bạch trong quá trình thực thi chính sách. Những chính sách của ngành trong quá trình tổ chức thực hiện về cơ bản đã thu hút sự quan tâm, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên còn một bộ phận người có công chưa thụ hưởng đầy đủ các chính sách và một bộ phận  chưa được hưởng. Bên cạnh đó cũng còn có những hạn chế nhất định trong việc ban hành, triển khai các chính sách. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo Cục Người có công và các đơn vị liên quan tập trung:

 Giải quyết tốt các vấn đề Cục đã đưa ra

Tập trung rà soát những bất hợp lý trong chính sách hiện hành. Tổng hợp tất cả những gì bất hợp lý nằm ở Nghị định, Thông tư nào, cái gì không thuộc thẩm quyền của Bộ thì đề xuất, kiến nghị sửa;

Tập trung giải quyết những hồ sơ tồn đọng, cần  thiết bàn các cơ quan chức năng lập hội đồng tư vấn giải quyết;

Tập trung giải quyết vấn đề thanh niên xung phong; Đẩy mạnh triển khai Đề án 150 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Vấn đề các liệt sĩ biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng cần được quan tâm, tiến tới mở rộng Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên;

Tập trung khắc phục những bất cấp hiện nay như: chính sách người phục vụ, chính sách NCC, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hoá học;

Trung tâm điều dưỡng người có công cần đề xuất mô hình làm sao cho hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí mục tiêu chính đạt được nhưng phải đa dạng hoá. Khai thác triệt để cơ sở vật chất để rồi sau đó phục vụ cho chính người có cộng, có lợi nhất cho người có công.

 Cần có phương pháp thực hiện mục tiêu tạo điều kiện đề người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống người dân nơi cư trú. Đề nghị rà soát lại toàn bộ thực trạng  hộ nghèo người có công theo tiêu chí mới của từng địa phương và từ đó  yêu cầu các địa phương tập trung xử lý.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt lưu ý với lãnh đạo Cục Người có công, những vấn đề đặt ra trong buổi làm việc, cần xin ý kiến Bộ để báo cáo Ban Bí thư ra Chỉ thị để giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc. Đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết chính sách…

Chiều cùng ngày Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đến thăm Tạp chí Lao động Xã hội và Tạp chí Gia đình Trẻ em.

N.Síu - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh