CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Không đào tạo nghề theo phong trào

Sau khi nghe ông Phan Đình Phùng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên báo cáo kết quả thực hiện công tác của ngành LĐ-TB&XH trên địa bàn tỉnh và ý kiến của các Sở LĐ-TB&XH, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, huyện Đồng Xuân và Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên liên quan đến công tác phối hợp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, người có công (NCC), đào tạo nghề và các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hoan nghênh những kết quả tích cực mà Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Phú Yên đã quan tâm, tập trung đầu tư ở các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH. Với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng cũng ghi nhận kết quả mà địa phương đạt được trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Chọn Phú Yên làm điểm, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng chính sách vào năm 2018:

Ở lĩnh vực NCC, Bộ trưởng đánh giá Phú Yên là tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với NCC. Các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với NCC được địa phương triển khai thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ và kịp thời. Đồng thời cũng đã thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống gia đình NCC và hỗ trợ xây dựng nhà ở. Như đã xây dựng được 122 nhà ở cho gia đình NCC, ngoài 503 nhà từ Chương trình hỗ trợ của Chính phủ theo Quyết định 22.

Hiện nay ở tỉnh Phú Yên, tuy ít nhưng vẫn còn hồ sơ chính sách tồn đọng cần giải quyết dứt điểm. Đối với 15 hồ sơ tồn đọng, gồm 3 liệt sỹ và 12 thương binh, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Phú Yên gấp rút tiến hành các bước xác minh để trình Bộ LĐ-TB&XH xem xét công nhận vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND 22/12 sắp đến.

Bộ trưởng đề nghị chọn Phú Yên làm điểm để giải quyết dứt điểm hồ sơ chính sách tồn đọng vào năm 2018. Hiện nay tỉnh Phú Yên vẫn còn 123 hồ sơ do đối tượng tự kê khai, không có hồ sơ, giấy tờ làm cơ sở để công nhận NCC. Bộ trưởng lưu ý tỉnh phải rà soát, phân loại. "Trường hợp có một phần hồ sơ làm căn cứ thì để lại xem xét, bổ sung, đưa ra hội đồng đánh giá được hay không. Còn trường hợp không có cơ sở thì cũng trả lời rõ cho đối tượng biết, không để dây dưa kéo dài" - Bộ trưởng chỉ đạo.

 Quang cảnh buổi làm việc

Theo ý kiến của đại diện Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, hiện nay còn 30 trường hợp tham gia chiến trường Lào, Campuchia đã được giải quyết chế độ, nay mắc bệnh tâm thần, đề nghị được giải quyết chế độ bệnh binh nhưng do họ bị bệnh, đi lang thang, không điều trị tại bệnh viện nên không có giấy ra viện để đủ yếu tố xem xét chế độ bệnh binh theo quy định, Bộ trưởng đề nghị địa phương có văn bản cụ thể gửi Bộ LĐ-TB&XH (qua Cục Người có công) để phối hợp với Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có hướng giải quyết cụ thể từng trường hợp. Nếu đúng đối tượng sẽ được giải quyết chính sách đầy đủ, kịp thời.

Bộ trưởng cũng đồng ý chủ trương hỗ trợ địa phương và đề nghị địa phương tham khảo kinh nghiệm các địa phương đã thực hiện để tiến hành số hóa thông tin dữ liệu NCC, vì phần lớn hồ sơ NCC được xác lập từ rất lâu, chữ viết nhòe đi, bắt đầu không nhìn rõ chữ. Nên việc số hóa thông tin dữ liệu hồ sơ NCC là cần thiết trong việc quản lý công tác NCC hiện nay.

Quan tâm đến sinh kế bền vững của người dân

Bộ trưởng cho rằng, mặc dù Phú Yên là một tỉnh nghèo, nhưng trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền địa phương đã quan tâm đã đầu tư đến chương trình giảm nghèo. Nên tỷ lệ giảm nghèo đến cuối năm 2017 ước giảm 2,2%, còn 8,03%. Phú Yên cũng không có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo triển khai thực hiện tốt, đầu tư đúng mục đích, không cắt xén kinh phí cho các chương trình khác. Hiện toàn tỉnh cũng đã tập trung đầu tư để cuối năm nay có 40 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là kết quả đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, phần lớn hộ nghèo ở Phú Yên vừa thoát nghèo lại rơi vào hộ cận nghèo. Mà giữa hộ nghèo và cận nghèo ranh giới rất mong manh. Chỉ cần một sự cố rủi ro trong sản xuất do thiên tai hay bệnh tật là dẫn đến tái nghèo ngay. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, trong công tác giảm nghèo, địa phương cần tập trung vào việc đầu tư bền vững. Còn thoát nghèo cái chính là người dân tự mình thoát nghèo. Vì vậy, phải chuyển mạnh từ việc cấp không sang hỗ trợ có điều kiện chứ không bao cấp. Các công trình thiết yếu giao cho cấp xã chọn để đầu tư đúng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt trong nhân dân. Quan tâm đào tạo nghề cho người nông dân, khắc phục hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 trước đây. Đó là phải dự báo được việc làm, không đào tạo theo kiểu phong trào, mà phải theo hướng về cơ sở nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, quan tâm đến sinh kế bền vững của người dân. Để Phú Yên giảm nghèo nhanh hơn, nhưng thực chất và hiệu quả.  

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các vấn đề xã hội như công tác bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em. Bộ trưởng cho rằng, nguồn lực hàng năm đầu tư cho công tác bình đẳng giới ở Phú Yên còn ở mức thấp, cần quan tâm hơn. Vấn đề phòng chống xâm hại ở trẻ em ỏ Phú Yên, tuy trong năm 2017 có giảm nhưng vẫn còn 7 vụ xảy ra. Phú Yên cần phải có các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa như tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân, tập huấn phòng ngừa thương tích trẻ em, dạy bơi cho trẻ em ở những vùng thường xảy ra đuối nước. Song song đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp xâm hại tình dục ở trẻ em để răn đe. Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà gia đình chính sách ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hà có 3 con là liệt sỹ.

           

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh