THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Thanh Hóa: Nỗ lực đẩy mạnh công tác XKLĐ

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa trao đổi với PV

Công tác XKLĐ ở Thanh Hóa trong năm 2014 gặp những khó khăn gì và những kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?

Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu đã dẫn đến thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp; sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động vốn đã rất gay gắt, càng trở nên khó khăn hơn và đã ảnh hưởng đến việc phát triển các thị trường lao động. Thêm vào đó, nhiều lao động khi về nước trước hạn đã có thông tin không trung thực về thị trường lao động nước ngoài đã ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.

Cùng với việc lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hợp đồng lao động ngày càng nhiều, chuyển đổi chủ vì lý do không chính đáng. Chính vì vậy, nó đã tác động rất lớn đến phong trào đi XKLĐ ở các huyện nghèo trong tỉnh.

Tuy nhiên, được sự chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, thông tin đến mọi người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và thị trường XKLĐ; tư vấn giải đáp những thắc mắc của người dân về xuất khẩu lao động, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân lên một bước cao hơn về mục đích ý nghĩa của XKLĐ.

Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, Thường trực Ban chỉ đạo về công tác XKLĐ và Chuyên gia tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức đi cơ sở làm phóng sự lấy tin những địa phương, những gia đình có người đi XKLĐ có hiệu quả để thông tin tuyên truyền. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tham vấn cho cán bộ huyện làm công tác XKLĐ; tổ chức nhiều cuộc hội nghị tuyên truyền vận động người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn ở tỉnh và huyện và cung cấp danh sách lao động hết hợp đồng, sắp hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc về cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền vận động người lao động về nước nhằm giảm tỷ lệ lao động sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực XKLĐ cho cán bộ cấp xã, cấp thôn và các cuộc tham vấn cộng đồng cho cán bộ thôn, người lao động về XKLĐ.

Chính vì vậy, công tác XKLĐ của Thanh Hóa đã thu được kết quả đáng khích lệ. Năm 2014, toàn tỉnh đã tuyển chọn đào tạo 19.020 lao động và đưa được 9.025 người đi XKLĐ, trong đó có 868 lao động thuộc 7 huyện nghèo của tỉnh. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất là Đài Loan: 3.010 lao động; Ả rập xê út 2.346 lao động; Malaysia 1.209 lao động; Nhật Bản 857 lao động; Hàn Quốc 479 lao động; Lào 346 lao động; các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 408 lao động; còn lại các nước khác 370 lao động. Theo thống kê, số tiền người lao động gửi về nước khoảng 90 triệu USD (tương đương 1.890 tỷ), từ nguồn vốn này, nhiều gia đình đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động trên địa bàn.

Tư vấn về XKLĐ để lao động lựa chọn thị trường phù hợp

Mục tiêu của Thanh Hóa là đưa 10.000 người đi XKLĐ trong năn 2015, vậy tỉnh đã triển khai những giải pháp gì thưa ông ? 

          Năm 2015, Thanh Hóa phấn đấu đưa được 10.000 người đi XKLĐ, trong đó 7 huyện nghèo đưa được 1.000 lao động. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo XKLĐ đã đưa ra các giải pháp là: Tăng cường công tác chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn phải thực sự vào cuộc. Phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ, xác định XKLĐ là một giải pháp quan trọng trong chương trình giải quyết việc làm giảm nghèo nhanh và bền vững; các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2642/2009/QĐ-UBND ngày 10/8/2009 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020; dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm lao động thuộc 7 huyện nghèo của tỉnh theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg), tạo điều kiện cho người lao động thuộc đối tượng đi XKLĐ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức vận động người lao động trong độ tuổi chủ động tích cực đăng ký tham gia đi làm việc ở các thị trường có nhu cầu tiếp nhiều lao động như Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông, Nhật Bản; các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài truyền thanh, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa của xã, phường để tạo dư luận xã hội đối với các gia đình có thân nhân cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; tăng cường quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở; thường xuyên hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm XKLĐ.

Tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện tuyển chọn và đưa người lao động đi XKLĐ.

Hoàng Minh (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh