THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật

 

TS. Trần Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường Đại học SPKT Nam Định. 

 

Thị trường đang thiếu hụt lao động có kỹ thuật

 Xin ông đánh giá khái quát về công tác đào tạo lao động kỹ thuật hiện nay?

TS. Trần Văn Khiêm: Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) thực hiện năm 2016 cho thấy, nhân lực đang làm việc trong các ngành kỹ thuật thiếu hụt trầm trọng. Có tới 91% DN cho biết đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ thuật; trong đó, 47,62% đưa ra lý do trên địa bàn không có đủ lao động kỹ thuật.

Nhu cầu nhân lực lao động đối với ngành kỹ thuật điện - điện tử, cơ khí và công nghệ thông tin đang rất cần theo chiều hướng tăng nhưng thực tế hiện nay rất ít thí sinh đăng ký vào học. Điều này tạo ra sự mất cân đối giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng, cơ hội tìm kiếm việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo của sinh viên khi tốt nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng các cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Sinh viên thực hành công nghệ ô tô

 

         Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

TS. Trần Văn Khiêm: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì nhiều, nhưng có 3 nguyên nhân chính: 

Thứ nhất, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động, vị trí việc làm, năng lực chuyên môn và các kỹ năng mềm của người lao động cần có trong các ngành kỹ thuật còn hạn chế, chưa đến được đầy đủ với thí sinh. Về phía cơ quan, DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin cụ thể, chi tiết về nơi làm việc, mức lương, khả năng phát triển... hiện rất tản mát, không tập trung, hạn chế tính xác thực. Vì vậy, thí sinh không có đầy đủ thông tin khi quyết định lựa chọn ngành, nghề theo học. 

Thứ hai, công tác dự báo và hình thức tuyên truyền cấp quốc gia về nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng kịp thời.

Thứ ba, đào tạo chưa thực sự gắn với DN. Hầu hết các chương trình đào tạo có học phần thực tập tốt nghiệp. Học phần này gắn với DN chủ yếu để SV làm quen với công việc, lấy số liệu, thông tin phục vụ cho đồ án tốt nghiệp. Theo tôi, đối với giáo dục đại học, sinh viên phải có thời lượng nhất định tham gia thực tập sản xuất tại các DN có công nghệ, kỹ thuật phù hợp với ngành nghề đang được đào tạo. Đối với giáo dục nghề nghiệp, có lẽ sinh viên phải thực tập sản xuất ít nhất 1 học kỳ tại DN.

- Lấy ví dụ cụ thể từ Trường Đại học SPKT Nam Định, một trong những cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề và lao động kỹ thuật cao trên cả nước, trong những năm gần đây, Nhà trường đã gặp những khó khăn gì trong công tác tuyển sinh?

TS. Trần Văn Khiêm: Khó khăn đầu tiên là vị trí địa lý của Nhà trường. Nam Định là nơi sản xuất công nghiệp chưa phát triển, hiếm hoi các nhà máy sản xuất, chế tạo các sản phẩm thuộc lĩnh vực điện - điện tử và cơ khí nên đã gây bất lợi trong việc thu hút thí sinh. Trong khi đó, hầu hết thí sinh của Nam Định mong muốn được học tập ở các trường tại Hà Nội hoặc các thành phố lớn. Thêm vào đó, thí sinh còn băn khoăn, chưa yên tâm khi lựa chọn và mong muốn trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vì lý do đãi ngộ chưa tương xứng đối với giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sự vất vả khi học, khi làm việc thuộc các ngành kỹ thuật - công nghệ...

 

Thực hành công nghệ tự động hóa

Gắn đào tạo với yêu cầu của người học và người sử dụng lao động

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong đào tạo lao động kỹ thuật cao hiện nay, theo Tiến sĩ, chúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp? Xin ông nêu cụ thể về các giải pháp này tại Trường Đại học SPKT Nam Định?

TS. Trần Văn Khiêm: Chất lượng sẽ quyết định vị thế, uy tín cũng như sự phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Đây cũng là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo cho sinh viên có việc làm như mong muốn ngay sau khi tốt nghiệp.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thì có nhiều, tôi quan tâm mấy vấn đề có tính chất quyết định sự phát triển của Trường Đại học SPKT Nam Định, hướng tới khả năng thích ứng và vận dụng kiến thức của sinh viên khi ra trường sẵn sàng đảm nhận và phát huy kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và sự hài lòng của người sử dụng lao động. Đó là:

Thứ nhất, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có năng lực chuyên môn vững vàng và kỹ năng sư phạm giỏi.

Thứ hai, thường xuyên cập nhật kỹ thuật công nghệ mới, tăng cường đầu tư và khai thác sử dụng trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Thứ ba, tích cực đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy năng lực, sáng tạo của người học.

Thứ tư, tăng cường, chú trọng mối quan hệ và sự hợp tác với DN theo hướng đào tạo theo yêu cầu của người học và người sử dụng lao động.

Thứ năm, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhu cầu nguồn nhân lực, thuận tiện khai thác và tuyên truyền trên hệ thống internet, thực hiện mục tiêu cân đối cung - cầu lao động.

Xin cảm ơn ông!

THÙY HƯƠNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh