Giai đoạn 2021-2030: Hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tinh gọn, hiệu quả
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:42 - 01/07/2021
Theo đó, các trường PTDTNT từng bước khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (MN). Các trường PTDTBT khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), giai đoạn 2021-2030 tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDTNT theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Tiến hành rà soát, quy hoạch hoàn thiện trường PTDTNT phù hợp với đặc điểm của: vùng, địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự lý tự nhiên và dân tộc. Trường PTDTNT phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Đối với hệ thống trường PTDTBT, tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương. Đảm bảo trường PTDTBT được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số và các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trường PTDTBT theo hướng chuẩn hóa. Thực hiện tốt chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Từng bước xây dựng hệ thống trường PTDTBT là nòng cốt trong hệ thống giáo dục dân tộc, nhằm tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực người DTTS chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN.
Đặt ra một số vấn đề cần củng cố để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Văn Tân, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc cho rằng, phải quy hoạch lại tổng thể hệ thống trường lớp tại các địa phương, quy hoạch đó nhất thiết phải đi liền với các quy hoạch khác để đảm bảo tính đồng bộ.
Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học đối với cơ sở giáo dục phổ thông vùng DTTS, MN đáp ứng đổi mới giáo dục và đào tạo; quan tâm bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông vùng DTTS, MN; đầu tư kinh phí cho xây dựng các tài liệu, học liệu phù hợp với đặc điểm vùng, đặc điểm dân tộc.
Đánh giá tích cực về hiệu quả của hệ thống trường PTDTBT thời gian qua, bà Trần Thị Yên, Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc gợi mở một số việc cần làm để duy trì và phát triển hệ thống này như: Rà soát hệ thống văn bản để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đảm bảo trường PTDTBT được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và chất lượng; thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh bán trú, đảm bảo các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn.