CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:32

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Xây dựng thể chế để tạo thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả

Cùng dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp cùng đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Giai đoạn 2021 – 2026: Hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị.

Hoàn thành 100% việc xây dựng, trình ban hành các văn bản, đề án

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá công tác thể chế năm 2020 và xem xét quyết định các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 cũng như chặng đường 5 năm tới. Theo Bộ trưởng, Hội nghị hàng năm của Bộ không chỉ dừng lại ở việc tổng kết của Vụ Pháp chế mà chính là xem xét, đánh giá lại toàn bộ công tác xây dựng thể chế của ngành trong năm 2020 và trong thời gian tới.

Báo cáo về kết quả công tác xây dựng thể chế năm 2020, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, trong năm 2020, sau khi thực hiện việc ghép các văn bản, đề án và điều chỉnh chương trình, tổng số văn bản, đề án của chương trình chính thức, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ xây dựng là 48 đề án, bao gồm: 1 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 1 hồ sơ gia nhập Công ước, 12 nghị định, 22 quyết định, đề án khác và 11 thông tư.

Đến hết năm 2020, Bộ đã hoàn thành 100% việc xây dựng, trình ban hành các văn bản, đề án theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một số kết quả chính bao gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao 93,36%. Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) được Ủy ban Thường Vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao 100%. Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết gia nhập với tỷ lệ tán thành cao (99,5% đại biểu tham gia biểu quyết). Hoàn thành trình 100% đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (37 đề án).

Trong quá trình xây dựng, Bộ đã chủ động ghép 16 đề án thành 5 đề án để giảm bớt số lượng văn bản, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ. Ngoài ra, 2020 là năm đặc biệt, do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ đã đồng tham mưu trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư.

Giai đoạn 2021 – 2026: Hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế báo cáo về kết quả xây dựng thể chế giai đoạn 2016-2020.

Về kết quả xây dựng thể chế giai đoạn 2016-2020, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã chủ trì soạn thảo, ban hành và trình ban hành một khối lượng văn bản lớn, bao gồm: 3 luật; 1 Pháp lệnh, 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 40 Nghị định; 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 132 Thông tư.

Cùng với các đề án văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã tham mưu, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27 về chính sách tiền lương; trình Ban Bí thư ban hành 2 Chỉ thị; đánh giá, tổng kết Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020,

Giai đoạn 2021 – 2026: Hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại  - Ảnh 3.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Niềm tin của nhân dân về đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện chính sách NCC được đánh giá tốt.

Trong giai đoạn này, Bộ cũng đã tham mưu, trình phê chuẩn 4 Công ước của ILO bao gồm: Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước số 159 về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật; Công ước số 98 về thương lượng tập thể, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Tại hội nghị, đánh giá về nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định đây là nhiệm kỳ hết sức thành công trong nhiều lĩnh vực của Bộ. Trong đó, hai lĩnh vực nổi bật nhất đó là thể chế và chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng, giải quyết tồn đọng chính sách NCC với cách mạng và xử lý những sai phạm trong chính sách NCC với cách mạng. Niềm tin của nhân dân về đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện chính sách NCC được đánh giá tốt.

"Trong thời gian tới, Luật BHXH phải điều chỉnh mức đóng và thời gian đóng, giảm số năm đến 10 năm. Điều quan trọng của Luật BHXH sắp tới là phải tập trung vào khu vực không có quan hệ lao động, phi chính thức; khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống BHXH như BHYT. Cùng với đó, cần nghiên cứu sửa đổi một số luật như: Luật Việc làm, phải nghĩ đến mô hình của Trung tâm Dịch vụ việc làm khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bất cập; chính sách việc làm công không đi vào thực tế; Luật Công tác xã hội dường như mới nặng về tổ chức mà chưa nặng đến các điều kiện về các điều khoản qui định về chính sách cho nên khó thông qua…", ông Lợi nhấn mạnh.

Thể chế phải bám vào mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2026 của Bộ

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Vụ pháp chế tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị và hoàn thiện lại báo cáo đánh giá riêng tổng kết về việc xây dựng thể chế của giai đoạn 2016-2020, nhất là những kinh nghiệm và bài học đặt ra trong thời gian tới và nêu rõ hơn về định hướng của năm 2021, thời gian tới 2021-2026 của ngành.

"Phương châm của chúng ta là đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả. Giai đoạn tới tiếp tục thực hiện phương châm đó nhưng từ sáng tạo nâng lên đổi mới, hiệu quả nâng lên phát triển", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Nhìn lại thời gian qua (2016 - 2020), đây là một trong những thành tựu nổi bật của toàn ngành và Bộ. Chúng ta đã giải quyết căn bản những công việc, nội dung, nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ và tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng để ngành hoạt động, lĩnh vực chúng ta hoạt động, vấn đề xã hội đang quan tâm. Với một ngành đa lĩnh vực như thế này, các công việc, chính sách của chúng ta đều liên quan sát sườn đến đời sống hàng ngày của người dân.

Giai đoạn 2021 – 2026: Hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, hiện đại  - Ảnh 4.

Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng thể chế năm 2020 và giai đoạn 2016 – 2020; triển khai nhiệm vụ xây dựng thể chế năm 2021 và định hướng giai đoạn 2021 – 2025.

“Việc hoàn thiện thể chế đã góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương của Đảng là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, để người dân được thụ hưởng một cách đầy đủ, tốt nhất những thành tựu kinh tế và thực hiện tốt Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Việc xây dựng thế chế của chúng ta thời gian qua không chỉ đáp ứng yêu cầu của người dân, phát triển thị trường lao động, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc còn tồn đọng mà còn mở đường tiến ra hội nhập, phù hợp với tiến bộ, văn minh và các cam kết quốc tế.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Lấy dẫn chứng về Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Luật Lao động năm 2012 chỉ tác động tới nhóm đối tượng 20 triệu lao động có quan hệ lao động. Nhưng với Bộ Luật Lao động 2019, phạm vi tác động tới hơn 54 triệu lao động, bao gồm cả đối tượng không có quan hệ lao động.

Hệ thống chính sách tiền lương khu vực sản suất, kinh doanh được tiếp tục hoàn thiện theo cơ chế thị trường; tiền lương được hình thành trên cơ sở thỏa thuận thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở không được thấp hơn mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của người lao động đã được Chính phủ ban hành. Hay vấn đề tổ chức đại diện người lao động, điều chỉnh tuổi hưu, giải quyết tranh chấp lao động…đã được xử lý tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị nhất thiết phải bám vào mục tiêu định hướng tổng quát của lãnh đạo Bộ đã trình. Từ mục tiêu đó mới ra được các công việc phải làm trong việc xây dựng thể chế. Việc hàng đầu của Bộ trong thời gian tới là phải hình thành được một thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đại. Do đó, thể chế phải bám vào mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 – 2026 mà Bộ đã xác định.

Bộ trưởng lưu ý những việc cần quan tâm trước mắt và tập trung số một là Luật BHXH phải làm nhanh, làm sớm và phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhưng luật phải giải quyết được thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 28, trọng tâm là 11 nội dung cải cách, trong đó nội dung thứ 6 là tuổi nghỉ hưu đã được thể chế, còn lại 10 nội dung nữa. Cùng với đó, phải bỏ bằng được Nghị quyết 93 (tức là trở lại thực hiện Điều 60 là không có bảo hiểm một lần). Phát triển mạnh bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là bảo hiểm tự nguyện đối với khu vực phi chính thức…

"Trước mắt cần tập trung một số việc, thứ nhất là chuẩn nghèo. Chuẩn nghèo Chương trình mục tiêu quốc gia phải đưa vào kỳ họp tháng 7 để phê chuẩn, nếu không sẽ không áp dụng được; thứ hai, phải sửa đổi Nghị 136 về chính sách xã hội vì chính sách đã áp dụng nhưng Nghị định vẫn chưa được sửa; thứ ba, Nghị định về NCC - pháp lệnh đã giải quyết được một số việc căn bản nhưng điều kiện thực thi chính sách cụ thể của Pháp lệnh đang còn rất khó nên yêu cầu chuẩn bị rất kỹ và trong tháng 2/2021 phải soạn thảo xong để trình các cơ quan chức năng; thứ tư, Nghị định và tổ chức đại diện, chúng ta đã xin lùi tổ chức sau Đại hội Đảng nên phải rất lưu ý", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh