CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Đổi mới tư duy, sáng tạo trong xây dựng thể chế thị trường lao động việc làm

Năm 2020, dịch bệnh Covd-19 đã để lại hậu quả tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực lao động – việc làm, đây thực sự là một năm đầy khó khăn, thách thức. Xin ông cho biết, những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực lao động việc làm trong năm qua?

 Kết quả lớn nhất, trọng tâm trong năm 2020, mặc dù trong tình hình đại dịch Covid-19, nhưng Cục vẫn rất quyết tâm là công tác xây dựng thể chế, cụ thể hoá các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, chuẩn bị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ 13.

Ngoài việc sửa đổi các nghị định phù hợp với Bộ Luật lao động năm 2019 về quản lí lao động, giao dịch việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm, Cục tập trung vào việc xây dựng những đề án lớn, khó, phức tạp trong lĩnh vực lao động việc làm. Đề án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, là đề án trung tâm, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương V khóa XII về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vấn đề đầu tiên là cần tìm hiểu lí luận, thị trường lao động là gì, đặc trưng với trình độ phát triển ở nước ta; thế nào là một thị trường lao động đồng bộ, hiện đại định hướng XHCN; thị trường lao động Việt nam đồng nhất giống nhau giữa các vùng miền, giữa các ngành không; vai trò nhà nước và thị trường như thế nào trên các địa bàn khác nhau, lĩnh vực khác nhau; các thể chế chính, quan hệ giữa các thể chế đó của thị trường lao động đồng bộ và hiện đại định hướng XHCN là như thế nào? Đề án về cung - cầu lao động cũng là đề án phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có các nghiên cứu bài bản trong lĩnh vực này, đòi hỏi giải quyết những hạn chế hiện nay giữa cung và cầu lao động giữa các khu vực sản xuất, địa bàn, ngành nghề, và ngay trong các công đoạn của chuỗi giá trị. Đề án về bảo hiểm thất nghiệp cũng đặt ra những nội dung cơ bản xây dựng thể chế quản trị bảo hiểm thất nghiệp hiện đại, thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động hiện đại hội nhập quốc tế.

Ba đề án của Cục đòi hỏi phải vừa cụ thể hóa thể chế hóa chủ trương của Đảng, vừa xây dựng cơ sở lí luận hiện đại trên cơ sở thực tiễn nước ta và trả lời ngay, kịp thời đòi hỏi đa dạng từ thực tiễn đang phát triển nhanh, biến động không ngừng.

Đổi mới tư duy, sáng tạo trong xây dựng thể chế thị trường  lao động việc làm - Ảnh 1.

TS Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm

 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Cục đã hết sức tích cực chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, các thủ tục được rút gọn, để hỗ trợ ngay cho người lao động, với số hồ sơ tới 1.028.234, số tiền lên tới 17 nghìn tỷ đồng tính đến hết tháng 11/2020. Đồng thời các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối với nhau, san sẻ cung cầu lao động giữa các địa phương và ngay từng địa phương để cung cầu không bị tắc nghẽn. Việc thu thập thông tin về thị trường lao động việc làm, trong thời điểm tháng 4-9/2020 đã được tổng hợp hàng tuần để báo cáo Bộ và để Bộ báo cáo Chính phủ. Cục tổ chức ngay các đoàn công tác làm việc với các địa phương khi có các doanh nghiệp dự kiến cho lao động ngừng việc hoặc dừng hợp đồng lao động. Quĩ quốc gia vay vốn việc làm được huy động tối đa để cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Việc quản lí lao động, nhất là lao động nước ngoài được tham mưu, thực hiện hết sức thận trọng trong bối cảnh dịch, vừa đảm bảo khống chế dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, cũng đảm bảo cho chuyên gia, kĩ thuật cao, các giám đốc điều hành, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp được vào nước ta có trật tự, tổ chức và đúng qui định cách ly y tế.

Khi đại dịch Covid 19 xảy ra, Cục Việc làm đã có những tham mưu, đề xuất gì với Bộ?

Ngay từ những ngày đầu có dịch, Cục cũng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin về thị trường lao động, việc làm, số doanh nghiệp ngừng sản xuất, số lao động mất việc, lao động ngừng việc, lao động nước ngoài.

Từ tháng 02/2020 tới tháng 9/2020, Cục đã liên tục chủ động nghiên cứu, tổng hợp cơ sở lý luận về đánh giá ảnh hưởng của dịch tới kinh tế, tới lao động - việc làm; nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm của hơn 120 quốc gia trên thế giới về các chính sách hỗ trợ người dân ứng phó dịch Covid-19; nghiên cứu phương pháp, thu thập dữ liệu và thực hiện các báo cáo dự báo nhanh về thị trường lao động – việc làm và ảnh hưởng của dịch tới lao động – việc làm để báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng "không để ai bị bỏ lại phía sau" khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Cục đã chủ động, tích cực và sáng tạo tham mưu cho Bộ để góp phần cho Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động ứng phó với dịch Covid 19, trong đó có 3/5 đối tượng do Cục việc làm trực tiếp chịu trách nhiệm tham mưu và thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục.

Đổi mới tư duy, sáng tạo trong xây dựng thể chế thị trường  lao động việc làm - Ảnh 2.

Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động

Sau khi các chính sách hỗ trợ được ban hành, Cục cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền triển khai, có thời điểm tới gần hai tháng Cục trưởng Cục Việc làm phụ trách số điện thoại hotline để trả lời người dân, các trưởng phòng thay nhau chỉ đạo tuyên truyền và giải đáp chính sách với hơn 20 cán bộ trực đường dây nóng 111. Đồng thời thu thập thông tin từ địa bàn về các đối tượng Cục chịu trách nhiệm. Cục cũng đã chủ động tổ chức và tham mưu cho Bộ tổ chức các buổi toạ đàm với doanh nghiệp, làm việc với các địa phương, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân để kịp thời có những đề xuất sửa đổi, bổ sung trong chính sách, phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường lao động thời gian tới đươc dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Cục Việc làm sẽ có những giải pháp gì để ứng phó với những thách thức trong lĩnh vực lao động việc làm thời gian tới?

Năm 2021, Cục sẽ tiếp tục đối mới tư duy và phương pháp làm việc trong xây dựng thể chế chính sách, quản lí nhà nước và theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cập nhật tình hình thông tin thị trường lao động việc làm, cung cầu lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.

Cục sẽ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ sửa Luật Việc làm, hướng tới thể chế hoá các cơ chế vận hành của thị trường lao động, củng cố bảo hiểm thất nghiệp để thực sự là giá đỡ cho người lao động và là công cụ để điều phối thị trường, đẩy mạnh hiệu quả sử dụng Quỹ Quốc gia về việc làm để tạo việc làm mới, việc làm bền vững, đặc biệt ở các địa bàn đặc thù.

Thực hiện cuộc cách mạng 4.0, chỉ đạo của Bộ, Cục sẽ thúc đẩy tư duy số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong thị trường lao động, hướng dẫn chỉ đạo hệ thống Trung tâm DVVL tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, xây dựng sàn giao dịch việc làm đúng nghĩa, kết nối cung - cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch Covid-19.

Năm 2021 sẽ là một dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động sau Covid và là nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn sau. Cục vì vậy sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ thị trường phát triển liên thông, đồng bộ trên toàn quốc, kết nối, hội nhập quốc tế, để thị trường từng bước vận hành theo đúng cơ chế thị trường lao động đồng bộ, hiện đại định hướng XHCN như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh