Giai đoạn 2021- 2025, Yên Bái đào tạo nghề cho 75.000 lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 10:00 - 01/12/2021
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đào tạo nghề cho 78.750 lao động nông thôn, đạt 126,4% so với kế hoạch, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động được nâng lên.Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% (năm 2010) lên đạt 63,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%. Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Yên Bái đào tạo nghề cho 59.730 người, đạt 123% so với kế hoạch, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề đạt 29.265 người.
Mỗi năm tỉnh Yên Bái đã chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho hàng ngàn lao động, đào tạo kỹ năng nghề để người lao động có cơ hội tìm được việc làm tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,21% (năm 2015) xuống còn 7,04% (vào cuối năm 2020), đạt 125% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm, cao hơn so với mức bình quân chung của cả tỉnh (đạt 7,66%/năm), qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách về trình trạng nghèo giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được cải thiện đã có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 75 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện (huyện Trấn Yên) được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 81% (năm 2010) xuống còn 59,9% (ước thực hiện năm 2020).
Dạy nghề cho lao động nông thôn đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện chỉ số đào tạo lao động trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Yên Bái đã tăng từ 4,97 điểm, xếp thứ hạng 48 (năm 2010) lên 6,65 điểm, xếp thứ hạng 35 (năm 2019), tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh tăng từ 71% (năm 2010) lên 91% (năm 2019), qua đó góp phần tích cực cải thiện thứ bậc cạnh tranh của tỉnh Yên Bái, giúp cho tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn, tỉnh Yên Bái xác định phải tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, qua đó giúp cho doanh nghiệp, các ngành tuyển dụng được nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu sử dụng, giúp cho người lao động tìm kiếm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2021- 2025, hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 20.000 lao động nông thôn (bình quân 4.000 lao động/năm), trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 12.000 người (chiếm khoảng 60%); người khuyết tật chiếm khoảng 1.000 người (chiếm 5%); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 4.000 người (chiếm 20%); lao động nữ chiếm khoảng 1.000 người (chiếm 50%); người thuộc hộ bị thu hồi đất, người thuộc diện được hỗ trợ chính sách người có công với cách mạng chiếm khoảng 2.000 người (chiếm 10%). Chia theo cơ cấu đào tạo, đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 6.000 - 8.000 người (chiếm 30 - 40%); đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 12.000 - 14.000 người (chiếm 60 - 70%).
Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2021- 2025, toàn tỉnh Yên Bái tuyển mới, đào tạo cho 90.000 người, trong đó có 75.000 lao động nông thôn tham gia học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 20.000 lao động nông thôn trình ở độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (bình quân 4.000 người/năm), trong đó đào tạo nghề nông nghiệp chiếm từ 55 - 60%, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm từ 40 - 45%. Phấn đấu có trên 85% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước.
Tập trung đào tạo đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ. Các ngành nghề đào tạo để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc tại khu công nghiệp và các dự án đầu tư.