THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:15

Giai đoạn 2018-2020: Đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn

 

 

8 tháng đầu năm cả nước dạy nghề cho 700.000 lao động nông thôn

Tại Hội nghị, Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, cả nước có gần 700.000 lao động nông thôn học nghề (đạt 63,6% kế hoạch), trong đó khoảng 250.000 người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đạt 41,6% kế hoạch (600.000 người).

Dự kiến trong năm 2017, cả nước hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 600.000 lao động nông thôn, đạt kế hoạch giao, trong đó khoảng 120.000 người dân tộc thiểu số, 18.000 người khuyết tật và 15.000 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo. Còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác.

Tổng trong hai năm (2016-2017), thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1,1 triệu người, đạt kế hoạch dự kiến và chiếm 29% dự kiến kế hoạch của 5 năm (2016-2020).  Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm (2010-2014) đã hỗ trợ tổng kinh phí là 4.139 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương là 3.147,15 tỷ đồng, các địa phương bố trí gần 1.000 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương chặt chẽ nên đã kịp thời trình Chính phủ ban hành và ban hành cơ chế chính sách tương đối kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác giám sát, tổ chức thực hiện dạy nghề có hiệu quả hơn. Các cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy theo nhu cầu của người lao động.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội nghị

 

Đẩy mạnh dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn

Tuy nhiên, tại hội nghị các đại biểu cho rằng công tác đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng gặp một số khó khăn trong đó có việc tổng hợp, thống kê kết quả đào tạo thường xuyên tại các doanh nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề các trung tâm còn yếu.  Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn các vùng khác trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ làm không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Định mức chi phí đào tạo cho từng nghề ở một số địa phương thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Đặc biệt hiện nay, cùng với chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg còn có các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác sử dụng ngân sách nhà nước để dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn do các Bộ, ngành quản lý, chỉ đạo nên có sự phân tán nguồn lực, trùng lặp đối tượng thụ hưởng và khó khăn trong theo dõi, thống kê, tổng hợp kết quả, hiệu quả dạy nghề.

Người dân còn thiếu thông tin để tiếp cận đầy đủ, hiệu quả chính sách của nhà nước. Các địa phươnng bố trí nguồn lực cho dạy nghề còn chậm.

 

có gần 400 đại biêu khu vực phía bắc tham dự hội nghị


Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn, thời điểm này, địa bàn tỉnh có 7 đơn vị trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên. Cơ sở vật chất được đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2012, đến nay đã bắt đầu xuống cấp, có trung tâm ban đầu chỉ được đầu tư vỏ, với nguồn kinh phí hạn hẹp địa phương không thể bổ sung cơ sở vật chất. Bà Nguyễn Thị Tâm , Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng cho rằng, Do cơ cấu kinh tế thay đổi, địa phương đô thị hóa, doanh nghiệp cũng thay đổi nhu cầu. Cơ sở vật chất trước đây đầu tư đã khác, nếu Hải Phòng có 4 đơn vị đào tạo trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu biên chế giáo viên để thực hiện đào tạo lao động nông thôn.

Theo  kế hoạch 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trong 3 năm (2018 - 2020) hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 2,74 triệu lao động nông thôn, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề. Giai đoạn 2018- 2020 dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động và chuyên đôi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn (trong đó 625 ngàn người học nghề nông nghiệp, 2.115 ngàn người học nghề phi nông nghiệp)

Phát biểu kết luận hội nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của các địa phương trong công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn trong thời gian qua. Về những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện hiệm vụ nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2018-2020. Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đề nghị các địa phương    cần đẩy mạnh  việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm giúp đẩy nhanh  quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cần tăng cường công tác  tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn.  Định kỳ hàng năm rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; mức chi phí đào tạo đối với từng nghề. Rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo. Rà soát, xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo (số lượng, cơ cấu nghề, trình độ đào tạo) của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động. Rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở tham gia đào tạo cho lao động nông thôn về: nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị đào tạo để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao đông nông thôn, theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh