THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:12

Cuối năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 1.896 hộ nghèo

Công tác giảm nghèo tại Quảng Ninh thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ đề ra với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, lồng ghép các nguồn lực, kết hợp với tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Năm 2016, toàn tỉnh có 15.340 hộ nghèo, (chiếm 4,56%). Hết năm 2019, toàn tỉnh còn 1.896 hộ nghèo, chiếm 0,52% mức giảm trung bình mỗi năm đạt 1,01/0,7% kế hoạch giao (vượt 0,31% so với chỉ tiêu Nghị quyết).

Cuối năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 1.896 hộ nghèo - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà thương phẩm ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).

Cũng theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, hiện 8 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, gồm: TP Hạ Long 0,09%, TP Cẩm Phả 0,18%, TP Móng Cái 0,12%, TP Uông Bí 0,33%, TX Đông Triều 0,12%, TX Quảng Yên 0,74%, huyện Hoành Bồ 0,75 và huyện Tiên Yên 0,59%. Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Bình Liêu (388 hộ nghèo) với 5,19% tổng số hộ dân, huyện Ba Chẽ là 2,13%. Cô Tô là huyện không còn hộ nghèo. Toàn tỉnh có 147/186 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở xuống, trong đó có tới 36 xã, phường, thị trấn không còn hộ nghèo, tăng 24 xã so với cuối năm 2018; 24 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 2%, trong đó, xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (8,12%).

Cuối năm 2019, tổng số hộ cận nghèo là 6.013 hộ, chiếm tỷ lệ 1,64% tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ cận nghèo ở thành thị là 1.695 hộ, chiếm 0,68% số hộ dân khu vực thành thị; số hộ cận nghèo ở nông thôn là 4.318 hộ, chiếm 3,62% số hộ dân vùng nông thôn. Có 4 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%, gồm: TP Hạ Long 0,23%, TP Cẩm Phả 0,47%, TP Móng Cái 0,87% và TP Uông Bí 0,77%; địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất là huyện Bình Liêu 11,55%.

Bằng các nguồn lực đầu tư và trợ giúp, Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình trình 135, Đề án 196 đã được hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Đến hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196). Chất lượng các hoạt động giảm nghèo đã được nâng lên, toàn diện hơn; bằng các nguồn vốn đầu tư lồng ghép, cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa ngày càng đổi mới, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể về hạ tầng cơ sở phục vụ cho đời sống dân sinh và sản xuất hàng hoá.

Với những nỗ lực chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, sự phấn đấu vươn lên của bản thân hộ nghèo, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội; việc thực hiện lồng ghép Chương trình giảm nghèo với Chương trình Nông thôn mới, Đề án 196 góp phần đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đến nay cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, cơ bản đã bao phủ được số hộ nghèo, người nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. 

Các hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện (tại huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu). Người nghèo ngày càng được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội toàn diện hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo. Công tác xã hội hoá về giảm nghèo được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội.

Triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế, có động lực vươn lên thoát nghèo.

X.MAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh