Giải cứu thịt lợn hay giải cứu tầm nhìn?
- Dược liệu
- 22:32 - 03/05/2017
Những ngày qua, phong trào giải cứu lợn (heo) cho người chăn nuôi được nhiều người hưởng ứng. Nhiều gia đình, trong những ngày nghỉ lễ đã mua hẳn một con lợn giết thịt để liên hoan, chế biến các món ăn hoặc để làm thực phẩm dự trữ ăn dần. Nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể cũng đã vào cuộc để giải cứu đàn lợn cho người chăn nuôi bằng cách tăng cường mua thịt lợn.
Nhiều nguy cơ sau đợt giải cứu thịt lợn này sẽ có một đợt khan hiếm thịt lợn xảy ra.
Thế nhưng, cùng với phong trào giải cứu lợn lên cao thì nhiều loại nông sản khác lại bắt đầu bị “tắc” đầu ra. Nhiều người chăn nuôi gia súc lớn (bò, trâu) hoặc chăn nuôi gia cầm (gà, vịt) và thuỷ sản đã bị giảm lượng hàng hoá tiêu thụ rõ rệt. Nếu không có một chiến lược, tầm nhìn và qui hoạch chặt chẽ thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hết đợt giải cứu này lại có thêm đợt giải cứu khác. Bởi những đợt giải cứu như thế này đã tạo ra một sự mất cân đối cung – cầu các loại nông sản một cách ghê gớm.
Sau mỗi cuộc giải cứu nông sản như dưa hấu, hành tím và giờ là lợn, đều thấy chung một điểm là việc phát triển nuôi trồng các loại nông sản này đều “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ lụy không nhỏ với ngành nông nghiệp nước nhà.
Còn nhớ, đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá (ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng trên 50.000 đồng/kg), cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường lợn của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đầu tư xây chuồng trại tăng đàn lợn đã diễn ra từ tháng 6/2016. Chỉ 6 tháng sau, giá lợn hơi từ mức cao kỷ lục 56.000 đồng/kg xuống còn 24.000 đồng/kg. Cùng với đó, Bộ Công Thương với nhiệm vụ tìm kiếm, dự báo thị trường lại cũng đưa ra những dự báo “chạy theo sau” những sự đã rồi.
Nông sản Việt Nam trong tình trạng phải trông đợi vào lòng thương hại của người tiêu dùng trong nước hiện nay lỗi do ai? Một phần do các cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về qui mô đàn lợn, biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Một phần nữa là do thói quen nhân đàn theo ý muốn của các hộ nên dẫn tới tình trạng tăng qui mô đàn lợn một cách chóng mặt ngoài tầm kiểm soát...
Để thoát khỏi tình cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, người dân cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, khi đó, họ mới nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào và giá bao nhiêu... Có như vậy mới thoát khỏi cảnh lao đao, mất ăn mất ngủ vì giá cả tuột dốc như hiện nay.
Thế nhưng, việc tạo chuỗi và tham gia vào chuỗi giá trị lại không đơn giản, bởi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người ấy làm đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Họ ngại thay đổi, làm việc theo qui trình, có sự ghi chép, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Trong lúc mọi người đang chung tay giải cứu lợn thì đã xuất hiện nỗi lo, chỉ 2-3 tháng nữa, giá lợn hơi sẽ lại tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung. Bởi sau đợt giảm giá mạnh khiến giá lợn hơi ở Việt Nam rẻ nhất thế giới thì nhiều người bỏ chuồng trại dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá tăng. Và ai biết được, khi giá lợn hơi tăng lên, nhiều người lại đổ tiền vào chăn nuôi và cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại.