CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:01

Hàng loạt giải pháp “giải cứu” giá thịt lợn

 

Tìm thị trường xuất khẩu thịt lợn

Giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã giảm sâu, có nơi giảm xuống mức thấp kỷ lục 15.000 đồng/kg. Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn cần phải có các giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng các giải pháp về công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn.

Siêu thị giảm giá thịt lợn.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn. Chỉ cho phép tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn đông lạnh sau khi đã xuất khẩu các lô hàng lợn, thịt lợn trong nước đang chờ thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo sở công thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong các tháng mùa hè sắp tới; rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến cấp đông; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất.

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục có các giải pháp tổng thể, lâu dài để hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Bộ NN&PTNT kêu gọi cả nước giải cứu thịt lợn

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT phát động chương trình chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi bằng những việc làm cụ thể như: Giảm giá các nguyên liệu đầu vào cho người chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chế biến, cấp đông dự trữ các sản phẩm trong nước. Trong đó, vấn đề cấp bách là có kế hoạch thu mua, sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn sản xuất trong nước để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất.

Điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

 

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các Bộ ngành, các địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội cùng tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức triển khai bằng các biện pháp cụ thể, thiết thực với người chăn nuôi lúc này. Theo đó, phía Bộ NN&PTNT sẽ tiếp nhận các thông tin, kế hoạch cụ thể của mọi tổ chức, cá nhân và kết nối để các đối tác liên quan triển khai thuận lợi, hiệu quả chương. Nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ và cứu hàng triệu hộ nông dân, Bộ trưởng mong muốn các bộ ban ngành cùng cả hệ thống chính trị cùng chung tay, hiệp lực, giúp sức “giải cứu” thịt lợn giúp bà con chăn nuôi, đồng thời Bộ NN&PTNT cũng gửi lời cảm ơn sự hợp tác và chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi của mọi tổ chức, cá nhân.

Sau lời kêu gọi của kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia giải cứu đàn lợn cho bà con nông dân do thịt lợn rớt giá, Ngân hàng LienVietPostBank đã ngay lập tức có gói cho vay hỗ trợ. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã ký Chỉ thị chỉ đạo LienVietPostBank sẽ dành gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 01 năm.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc Phòng cũng cho biết Bộ này sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con chăn nuôi. Dự kiến, ưu tiên dùng thịt lợn trong bữa ăn và nếu giải quyết sớm thì lực lượng quân đội sẽ tiêu thụ hàng ngàn tấn thịt lợn mỗi tháng. Thiếu tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay, Bộ Công An đã họp thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ “giải cứu” thịt heo cùng Bộ NN&PTNT. Ban chỉ đạo sẽ xây dựng tiêu chí rõ ràng để các đơn vị trong toàn ngành hỗ trợ người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo đó, Bộ cam kết sẽ giúp bà con chăn nuôi tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt lợn từ nay đến cuối năm trong bếp ăn của các lực lượng trên cả nước. Trước mắt sẽ tiêu thụ khoảng 70 ngàn tấn thịt lợn/tháng giúp bà con chăn nuôi.

 

Doanh nghiệp, người dân “xắn tay” giải cứu thịt lợn

Nhằm giúp người chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn, đại diện cho đoàn thanh niên, liên đoàn lao động, hội doanh nhân trẻ cũng cam kết hỗ trợ, kêu gọi tổ chức của mình ưu tiên sử dụng thịt lợn trong giai đoạn này để tiêu thụ giúp bà con chăn nuôi. Tại Đồng Nai, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở NN&PTNT và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chính thức mở điểm bán thịt lợn bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa nhằm hỗ trợ người chăn nuôi “giải cứu” thịt lợn. Cụ thể, sẽ thu mua lợn hơi tại trại cho người chăn nuôi với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái đang thu mua khoảng 7.000 đồng/kg. Hiệp hội dự kiến mở 6 điểm bán thịt lợn bình ổn giá trên địa bàn thành phố Biên Hòa, sau đó căn cứ vào tình hình khảo sát thị trường sẽ tiếp tục mở thêm nhiều điểm bán thịt về các huyện. Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, việc mở các điểm bán thịt lợn bình ổn giá nhằm mục đích bán thịt lợn giá rẻ đến người tiêu dùng, đồng thời có tác động hạ giá bán thịt lợn tại các trung tâm thương mại và chợ truyền thống. Đặc biệt, hành động trên sẽ góp phần kích thích thị trường, tăng sức mua thịt lợn, giúp giải cứu lượng lợn vẫn đang tồn trong dân.

Tại hệ thống siêu thị Big C đang thực hiện đợt giảm giá 8% cho tất cả các sản phẩm thịt lợn. Cụ thể, giá thịt lợn vai được bán ra ở mức 72.900 đồng/kg, thịt đùi 78.500 đồng/kg, ba chỉ 79.900 đồng/kg, xương 56.000 đồng/kg… Đây là đợt điều chỉnh thứ 3 kể từ tháng 3/2017 đến nay của Big C Việt Nam, nâng tổng mức giảm giá thịt heo bán ra tại hệ thống siêu thị này lên đến 20%. Hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food cũng áp dụng chương trình giảm giá để hỗ trợ đẩy sức tiêu thụ cho mặt hàng thịt lợn. Đặc biệt, dù giảm giá bán nhưng Saigon Co.op vẫn giữ nguyên giá mua để giúp người nuôi bù chi phí. Sau khi giảm giá, tại Co.opmart và Co.op Food, giá thịt đùi, vai dao động quanh mức 60.000 đồng/kg; chân giò giá 52.800 đồng/kg, xương đuôi giá khoảng 66.000 đồng/kg, thịt xay giá khoảng 70.000 đồng/kg, xương ống  giá 48.000 đồng/kg...  Các sản phẩm chế biến nấu chín, sơ chế sẵn có thành phần thịt heo cũng đều giảm giá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco đã tuyên bố sẽ giảm giá thức ăn chăn nuôi khoảng 5 - 7%. Ngoài ra, lợn giống và thuốc thú y cũng sẽ giảm.

Không trông chờ thương lái đến thu mua, cũng không trông chờ giá thịt lợn có thể quay đầu tăng trở lại, một số hộ chăn nuôi đang tự mổ lợn đem ra vỉa hè Hà Nội bán lẻ để cắt lỗ. Ngồi bán thịt lợn trên vỉa hè tại khu vực Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tuấn (Khoái Châu, Hưng Yên) than thở: “Nửa tháng nay, ngày nào cũng cũng phải dậy sớm để mổ lợn chở lên Hà Nội bán lẻ ngoài vỉa hè để vớt vát lại vốn đầu tư vào đàn lợn gần 100 con. Tuy vất vả nhưng với giá bán thịt 60.000 đồng/kg, tính ra hòa gốc chứ không bị lỗ chỏng vó như bán cho thương lái”.

Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi xuống thấp, các gia đình chung nhau đụng lợn vừa giải cứu người chăn nuôi lại được ăn thịt lợn giá rẻ. Theo một số hộ chăn nuôi lợn tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, trong 3 ngày trở lại đây giá lợn đã tăng khoảng 3.000 đồng/kg. Đáng nói hơn là cánh thương lái đã bắt đầu tìm đi mua đông vì Trung Quốc đã bắt đầu mua lợn trở lại.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh