CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

Tiếng hát... kẹo kéo toàn thành

Người thổi gió cho những giấc mơ bay cao, bay xa chạm hiện thực là Lê Thạch - chàng trai sinh năm 1990 tràn đầy khát vọng và năng lực của tuổi trẻ. Anh từng theo học cả ngành luật lẫn ngành báo chí. Năm nay là lần thứ hai anh tổ chức liên hoan.

Chỉ mong sao “ca sĩ kẹo kéo” hết bị khinh khi

Để tổ chức một liên hoan như thế này là điều chẳng dễ dàng gì bởi Lê Thạch ít vốn liếng. Đối tượng lại là những người bán kẹo kéo nghèo khổ, vô danh nên việc xin tài trợ càng không. Tiền tổ chức phải chạy xin tài trợ từ 1 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí anh chàng tự bỏ tiền túi. Vậy nhưng Lê Thạch và các bạn trẻ cộng sự của mình vẫn năng nổ, nhiệt tình chạy lo sốt vó suốt sáu tháng ròng, sao cho liên hoan diễn ra tươm tất nhất.

Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015, liên hoan được một phòng trà tài trợ. Tiền trao giải và tổ chức hơn 20 triệu đồng do công ty loa di động và bạn bè thân quen cho. Lê Thạch vận động thêm bạn bè trong giới văn nghệ đến quay phim miễn phí. Còn để tìm kiếm được khoảng 70 thí sinh tham gia liên hoan trong năm 2015, Lê Thạch và các cộng sự đã in hàng trăm thư mời với ngôn ngữ đầy trân trọng, lịch sự mời các bạn “ca sĩ đường phố” tham gia liên hoan rồi đi rải khắp quán nhậu từ Sài Gòn đến Bình Dương, Đồng Nai. Các thí sinh vượt qua vòng loại của liên hoan còn được Lê Thạch nhờ thầy bồi dưỡng thanh nhạc và kỹ năng biểu diễn như ở các cuộc thi lớn… 

Hoàng Anh - người giành giải ba liên hoan âm nhạc đường phố năm ngoái.

Liên hoan lần một kết thúc, Lê Thạch tập hợp ngay 12 giọng ca tốt nhất để thành lập CLB Nghệ sĩ đường phố với nội quy tham gia là phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp khi biểu diễn. Tức không tranh giành địa bàn với đồng nghiệp, đoàn kết nhau cùng làm; không chèo kéo, ép khách mua kẹo; tạo hình ảnh đẹp của một nghệ sĩ thực thụ. Các thành viên của CLB này được bảo trợ như sửa chữa loa miễn phí nếu bị hư hỏng, cấp đồng phục CLB để mặc khi biểu diễn, hỗ trợ trước tiền mua áo vest để biểu diễn, được sinh hoạt định kỳ về thanh nhạc… Ngoài ra, Lê Thạch còn nỗ lực chạy xin kinh phí và tài trợ để tổ chức một chuyến cho CLB đi biểu diễn miễn phí phục vụ khoảng 300 khán giả ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ngày 14-3 này, tại phòng trà Tigôn (quận Gò Vấp), Lê Thạch sẽ tổ chức liveshow cho giọng ca Mạnh Nguyên - giải tư của liên hoan lần một. Sau đó là một loạt liveshow cho các giọng ca từ giải ba đến giải nhất, gồm: Hoàng Anh, Thiện Mẫn, Công Duy tại TP.HCM hoặc quê nhà các “ca sĩ kẹo kéo” này.

Hỏi Lê Thạch vì sao lại làm cái việc vừa mất thời gian vừa phải chắt chiu, tìm kiếm lo toan từng đồng từng cắc như vầy, Lê Thạch cười: “Vì mình có máu nghệ sĩ, cũng đam mê nghệ thuật như các bạn. Vì mình muốn phiêu lưu. Nhưng trên hết là khi bắt tay vào làm, đi bán kẹo kéo cùng các bạn mình đã khóc rất nhiều cho những cơ cực, buồn tủi của nghề này. Mình muốn làm cái gì đó cho các bạn, ít nhất là đừng để bị người ta khinh khi, coi mình như ăn xin. Mình muốn giúp các bạn đẹp và tự tin như một nghệ sĩ thật sự khi đi làm, tức là đi hát để bán kẹo. Khi đẹp, tự tin, lịch sự đàng hoàng, các bạn là một người đi phục vụ người khác để kiếm sống một cách chân chính. Mình nghĩ các bạn ca sĩ đường phố có thể chấp nhận giọng hát chưa được xuất sắc nhưng phải hát đúng”.

Tủi nhục ca sĩ kẹo kéo

Là giọng ca “hot boy kẹo kéo” ở các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Sài Gòn, đã đoạt giải ba “Liên hoan âm nhạc đường phố 2015” do Lê Thạch tổ chức, Hoàng Anh cười buồn, kể: “Hôm qua em mệt quá muốn nghỉ nhưng có khách quen gọi ra quán hát phục vụ họ đến 2 giờ sáng. Họ cho đến mấy trăm ngàn lận, vậy nên phải ráng đi, chứ nghề này có bữa em đi hát đến bốn quán, khô hết cổ họng mà không bán được đồng nào. Có ngày chẳng kiếm nổi vài chục ngàn đồng. Rồi cũng có khi khách quen kêu đến hát phục vụ mà họ chẳng cho tiền, vì họ say nên quên mà mình cũng không dám nhắc. Mấy hôm trước còn có một khách quen kêu em đến nhà hát, xong xỉn chửi em quá chừng. Em tức quá chỉ biết nói thầm “mai mốt ông kêu nữa tôi không bao giờ đi”. Nghề này có lúc tủi nhục lắm chị ơi. Có khi em còn bị công an bắt vì tội làm mất trật tự nơi công cộng”.

Bảo Trân, một thí sinh 21 tuổi của liên hoan lần này, đến từ Bạc Liêu, cũng bổ sung câu chuyện của Hoàng Anh về những lần bị khách đuổi, khách chửi bởi cái tội làm phiền họ. Thậm chí, khách đằng này kêu lại hát thì em bị khách ở đằng kia la lối, cằn nhằn. Bảo Trân cho biết có khi “ca sĩ kẹo kéo” còn bị đánh, bị đập bể micro hay bị vạ lây bởi những trận đánh nhau trong các quán nhậu. Chuyện tranh giành địa bàn, giành khách giữa các “ca sĩ” với nhau lắm lúc cũng rất cam go…

Là vậy nhưng cả Hoàng Anh, Bảo Trân hay nhiều “ca sĩ kẹo kéo” khác lại không có ý định bỏ nghề. Bởi cái nghề vừa được thỏa mãn đam mê ca hát, vừa có thể kiếm sống này đem lại cho họ niềm vui thích không nghề nào có được. Trong họ luôn khao khát một ước muốn được trở thành nghệ sĩ thực thụ, được hát trên sân khấu đích thực cho những khán giả chỉ ngồi nghe họ cất giọng ca.

Chí ít liên hoan này đã đem lại cho họ một lần thực thụ được đứng dưới ánh đèn sân khấu khi họ bước ra thi, cho họ những kiến thức nhạc lý mà những “nghệ sĩ” chân đất này chưa một lần biết đến.

Pháp luật TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh