Giá xăng tăng cao, người dân và doanh nghiệp chật vật chống chọi “bão giá”
- Huyệt vị
- 06:19 - 23/05/2022
Giá dịch vụ, hàng hóa “nhảy múa” theo giá xăng dầu
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã có 8 lần tăng giá và lập đỉnh cao kỷ lục. Có thể nói, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí đầu vào để sản xuất hàng hóa. Vì thế, khi xăng dầu tăng giá đã gián tiếp khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hóa đồng loạt tăng theo.
Tại Hà Nội, giá các loại rau, củ đã tăng so với 1 tháng trước đó. Chẳng hạn, các loại rau cải ăn lá tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg; bí xanh tăng từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/kg… Giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với trước đó. Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái.
Tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng ghi nhận ở mức tăng 5 - 10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, mỳ tôm Omachi tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 205.000 đồng/thùng; dầu ăn Simply tăng từ 48.000 lên 52.000 đồng/lít; các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng khoảng 10 - 15% so với đầu năm.
Ông Trương Chí Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt (chuyên các sản phẩm thực phẩm nhãn hiệu V-Food) cho hay, khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán.
Cũng trong tình thế phải gánh chịu cảnh giá đầu vào tăng nhưng giá bán chưa thể tăng, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, từ cuối quí IV/2021, Vissan đã dự báo qua quý I năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng 10-30% tùy mặt hàng. Nhưng lúc ấy chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Tuy nhiên, với tình hình này doanh nghiệp chỉ có thể "gồng mình" chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán, vì sức mua hiện quá thấp.
Đời sống người dân xáo trộn
Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng được xem là đang bị tác động mạnh và trực tiếp vào hoạt động khi xăng dầu tăng giá. Đại diện Hiệp hội Taxi TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ”. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25-30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30-40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi chưa được điều chỉnh.
Chị Nguyễn Lan Anh, chủ quán bún ngan trên phố Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng khiến cửa hàng chị gặp nhiều khó khăn. Hiện giá của các nguyên liệu đầu vào đều tăng nên buộc của hàng phải tăng nhẹ giá bán thêm 2 nghìn đồng/bát. “Chúng tôi cũng muốn giữ giá để giữ khách nhưng chi phí đầu vào tăng cao buộc phải tăng giá bán. Nếu tăng nhiều sẽ mất khách vì mặt hàng nào cũng tăng giá nên chỉ dám tăng 2 nghìn đồng/bát. Thú thật đợt này ế lắm, khách thưa thớt…”, chị Lan Anh chia sẻ.
Giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân, thêm gánh nặng chi phí với nhà nông. Gia đình anh Nguyễn Tiền Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đang canh tác hơn 3 sào đất màu trồng rau. Anh Hòa cho hay, mặc dù có kinh nghiệm làm nông nghiệp hơn 20 chục năm nhưng cơn bão giá xăng dầu cũng làm anh lao đao. Bởi chi phí từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến chi phí làm đất đều tăng. Cụ thể, trước đây chi phí làm đất mỗi vụ chỉ 120.000 đồng/sào giờ tăng lên 160.000 đồng/sào. Đó là chưa kể giá phân bón tăng gấp đôi, trong khi đầu ra của nông sản bấp bênh. Để tiết giảm chi phí, lứa rau vừa giống đợt đầu tháng 5, gia đình anh không thuê máy làm đất mà tự cuốc bằng tay. Thời điểm này, diện tích dưa chuột và cà chua đang chuẩn bị thu hoạch. Hy vọng rau củ được giá để bù lại phần nào chi phí.
Hàng hóa tăng giá khiến cuộc sống người dân thêm chật vật nhất là những người làm công hưởng lương. Chị Dương Minh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, xăng dầu tăng giá kéo theo các mặt hàng đều tăng giá khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tăng lên gần 20% so với trước. Trong khi đó, thu nhập của hai vợ chồng chị đều không tăng nên chi tiêu phải khéo co kéo để chống chọi với đợt tăng giá của hàng hóa. Cả gia đình chỉ còn một cách duy nhất là tiết kiệm tối đa các khoản sinh hoạt phí.