THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:13

Điện, xăng đồng loạt tăng giá: Lo hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo

 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng tăng rất mạnh trong ngày 2/4 chưa kể giá điện cũng được điều chỉnh tăng cách đây ít lâu sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 với mức tăng dự kiến khoảng 0,2%.

Giá xăng tăng đẩy sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

 

PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận và tác động ngay vào CPI của tháng đó. Còn giá điện tăng thì có độ trễ do sang tháng sau các hộ dùng điện mới thanh toán hóa đơn. Vì thế, việc tăng giá điện từ 20/3 phần lớn ghi nhận vào CPI tháng 4 trở đi, trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên sẽ tạo áp lực lên cho giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4. “Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng sốc”, ông Long cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, việc điện tăng 8,36% xăng RON 95 tăng tới 1.484 đồng/lít lên mức hơn 20.000 đồng/lít là mức tăng sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản… Ông Doanh lấy ví dụ, trong ngành thép, điện chiếm 6-7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép bán giá cao lên. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, cứ thế tác động liên hoàn. Còn xăng tăng là hệ quả của việc tăng giá thế giới. Hiện, quỹ bình ổn giá xăng dầu của nhiều doanh nghiệp đầu mối đã cạn kiệt nên việc tăng giá xăng là việc bất khả kháng. Việc tăng cả 2 yếu tố giá sẽ làm tăng chỉ số giá bởi xăng, điện là 2 đầu vào tất cả sản phẩm nên các mặt hàng sẽ tăng lên theo. “Cùng với xăng, giá điện tăng người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng. Đồng thời phải chịu sức ép gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng. Tuy nhiên, giá điện tăng tác động đến mặt bằng giá cả sẽ có độ trễ. Dự báo, sau khoảng ba tháng, sẽ thiết lập mặt bằng mới, tuy nhiên mức độ tăng bao nhiêu sẽ phải tính toán cụ thể, chi tiết hơn. Giá điện, xăng tăng cũng sẽ tác động chỉ số giá cả tăng lên khoảng 0,2% trong tháng tới”, ông Doanh nói.

Với mức tăng mới này, ông Doanh cho rằng, các doanh nghiệp phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý.

Giá xăng, điện tăng giá khiến giá nhiều mặt hàng sẽ tăng theo.

 

Trên thực tế, việc tăng giá điện lên mức 8,36% (tức 1.864,44 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 20/3 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lập tức điều chỉnh giá bán. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu được doanh nghiệp đưa ra lộ trình tăng giá 5 - 10% trong thời gian tới. Doanh nghiệp sản xuất xi măng là một trong những hộ tiêu thụ điện lớn nên chịu nhiều tác động khi giá điện tăng. Theo tính toán, chi phí tiền điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất xi măng. Ngày 20/3, Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) phát đi thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán đối với xi măng bao tăng từ 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019. Doanh nghiệp này viện dẫn lý do tăng: Chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá nên tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp như: Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… cho biết, sẽ điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019. Điều này cho thấy, các đơn vị từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân phải tăng giá bán trước áp lực từ việc đồng loạt tăng giá điện, than, cùng một vài nguyên liệu đầu vào khác… Trên thị trường, giá các hàng hoá thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt như lương thực, thực phẩm hiện tại vẫn giữ nguyên nhưng đa số tiểu thương cho biết, thời gian tới sẽ tăng giá bán. Theo chủ đại lý bán gạo tại quận Long Biên (Hà Nội), giá điện tăng khiến giá gạo tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg. Nay thêm giá xăng tăng nên việc giá gạo phải tăng thêm là điều không thể tránh khỏi.

Đại diện nhiều siêu thị tỏ ra lo lắng, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, vì không tránh khỏi các nhà cung cấp tăng giá bán. Giá điện, xăng tăng giá đồng loạt khiến siêu thị căng mình để “chống đỡ” việc tăng giá do chi phí đầu vào đội lên. Khi các nhà cung cấp thông báo tăng giá bán thì việc các siêu thị buộc phải tăng giá theo. Thông thường, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tại các chợ đầu mối tăng từ 3%-7%. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải. Do đó giá xăng dầu tăng đương nhiên ảnh hưởng đến cước vận tải. Phần lớn hợp đồng vận tải được ký kết dài hạn nên khi giá xăng dầu tăng, buộc chủ xe phải đàm phán lại với khách hàng.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh