Giá xăng giảm sâu, giá tiêu dùng vẫn “trên trời”
- Huyệt vị
- 21:18 - 06/02/2015
Xu hướng… tăng giá ?
Cho đến nay, giá xăng dầu đã có 13 lần giảm giá, tính từ tháng 7/2014. Ngỡ rằng khi giá xăng dầu giảm, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì giá thực phẩm thiết yếu sẽ xuống cùng giá nguyên liệu. Tuy nhiên, dạo quanh một số chợ cho thấy, giá thực phẩm (thịt gia súc, thịt gia cầm) không những không giảm mà còn có xu hướng tăng khi vào gần dịp Tết.Chị Hương Lan, khu đô thị Bắc Linh Đàm, phàn nàn: “Giá xăng dầu giảm nhưng tôi thấy thực phẩm vẫn cao.
Cụ thể, tháng trước 1 kg thịt lợn nạc vai giá 100.000 đồng, nay lên 110.000 đồng/kg; thịt gà giá 100.000 đồng/kg nay ở mức 110.000 – 120.000đồng/ kg. Các loại rau như cà chua, rau muống, cải,... từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại, giá các loại rau ăn sống vẫn 20.000-30.000 đồng/kg.
Giá xăng giảm sâu, giá tiêu dùng vẫn trên trời. (Ảnh: Mạnh Dũng)
Như vậy, giá rau xanh vẫn gần giữ nguyên như cũ, nếu giảm chỉ 1.000 – 1.500đồng/kg, tùy theo thời tiết. Không chi thực phẩm tươi, giá gạo và một số thực phẩm khô cũng không giảm mà có chiều hướng tăng nhẹ: Giá gạo Tám Điện Biên, trước đây 16.500 đồng/kg nay nhích lên 17.000 đồng/kg; gạo Bắc Hương tăng từ 15.500 lên 16.000 đồng/kg; miến ngon đã từ 35.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg; bánh đa từ 35.000 đồng/kg lên 37.000 đồng/kg. Tại sao giá xăng dầu thời gian qua giảm sâu như thế sao giá rau, thịt gia súc, gia cầm vẫn không giảm, lại còn có chiều hướng tăng?
Chị Hà, bán thịt lợn tại chợ Đại Từ, Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi lấy thịt từ các lò mổ, họ không giảm giá, thậm chí còn tăng thì tôi làm sao có thể giảm giá được?”. Theo chị Hà thì việc tăng giá nhẹ các mặt hàng thực phẩm là theo quy luật hàng năm, “gần Tết thì giá cả lên là đương nhiên”. Dạo một vòng quanh khu vực ăn uống ở một số quận trên địa bàn Hà Nội, đa phần các loại đồ ăn như bún, phở, cơm văn phòng,... vẫn được bán với mức giá như cũ.
Lý giải về việc giá xăng giảm sâu nhưng cửa hàng mình vẫn giữ giá, chị Năm, chủ một quán cơm bình dân trên đường Vũ Hữu Lợi, phân trần: “Nếu rau, thực phẩm giảm giá thì chúng tôi sẵn sàng giảm giá, nhưng có thấy mặt hàng nào giảm đâu, thậm chí còn tăng”.
Vận tải vẫn đòi tăng cước
Báo cáo nhanh kết quả giảm giá cước (khi giá xăng giảm) của 10 tỉnh, thành phố sau kiểm tra sơ bộ của Bộ Tài chính, đến hết tháng 1/2015 vẫn còn rất nhiều DN chưa thực hiện giảm giá cước. Thậm chí, trong những ngày cuối năm, nhiều doanh nghiệp vận tải đồng loạt được tăng phụ thu giá cước ở trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Cụ thể, hiện có 9 DN vận tải hoạt động ở 2 bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát (Hà Nội) đã có thông báo tăng giá vé trước, trong và sau Tết; trong đó, phần lớn đều tăng phụ thu giá vé 50-60% so với ngày thường. Cty TNHH Vận tải và Du lịch vận tải Hải Vân chạy tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng xin tăng 60% giá vé (mức tăng cao nhất) bắt đầu từ ngày 19/2 đến 6/3. Các Cty còn lại đề nghị tăng giá vé 40-50%.
Riêng Cty TNHH Hiền Phước, chạy tuyến Giáp Bát - TP Hồ Chí Minh, tăng giá cước từ 20-60%, tùy thời điểm. Tại Bến xe Nước Ngầm, Cty TNHH Vận tải Chín Nghĩa đăng ký giá vé phụ thu cho tuyến Hà Nội - Quảng Ngãi và ngược lại với 2 mức 40% (từ ngày 19-21/2) và 60% (từ 22/2-15/3).
HTX Xe khách Trung Nam cũng đăng ký tăng giá vé 2 tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội; TP Hồ Chí Minh - Lào Cai, mức phụ thu cao nhất 60% áp dụng từ 9-18/2; mức 40% từ 5 - 8/2 và 19 -21/2, mức 20% từ 31/1 đến 4/2. Trong số 9 đơn vị này có DN chưa hề giảm giá vé trong thời gian qua, như HTX Trung Nam.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, giá xăng dầu chiếm khoảng 34-45% giá thành cước vận tải hàng hoá, đây yếu tố để hình thành mặt bằng giá tiêu dùng. Việc giá xăng dầu giảm sâu, giá hàng hóa không giảm, thậm chí có chiều hướng tăng, cho thấy công tác điều hành giá của chúng ta có vấn đề.
Khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng nhanh chóng tăng theo, thậm chí còn tăng cao hơn cả giá xăng dầu. Trong khi, giá xăng dầu giảm mạnh thì tất cả các mặt hàng lại gần như án binh bất động và chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt.