CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Châu Á: Lo ngại giá cả tiêu dùng giảm

Tăng trưởng kinh tế liệu có ỳ ạch?

     Tại Trung Quốc, lạm phát đã ở mức thấp trong 5 năm qua khi tăng chỉ 1,6% trong tháng 10, thấp hơn nhiều so với mục tiêu giữ mức tăng giá cả tiêu dùng ở mức chưa tới 3,5%. Trong khi đó, tại Ấn Độ, sau một thời gian dài kìm hãm lạm phát, giá cả tiêu dùng vào tháng 10 tăng chỉ 5,5%, giảm từ mức tăng 2 con số cách đây 1 năm. Hàn Quốc cũng chứng kiến lạm phát ở mức thấp dưới 2% trong một thời gian dài.

     Khắp châu Á, giá cả tiêu dùng đang hạ nhiệt khi chi phí dầu mỏ và các hàng hóa như gạo, đậu nành và đường giảm mạnh. Theo Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, khi lạm phát thấp kéo dài, sẽ càng khiến cho doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả nợ, cần phải cắt giảm lãi suất mới có thể giải quyết vấn đề này. Hiện tại, một số chính phủ châu Á đang lo ngại nước họ sẽ rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài giống như Nhật Bản, mà theo đó, giá cả giảm bắt đầu một vòng luẩn quẩn của việc giảm chi tiêu tiêu dùng và giảm đầu tư doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế ì ạch trong nhiều năm liền.

Chợ Or Tor Kor (Thái Lan) là nơi bán và nhập khẩu rau, củ quả đặc sản của tất cả các nước châu Á.

     Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI), không tính giá thực phẩm tươi sống, của Nhật Bản tháng 10 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá tiêu dùng tại Nhật Bản tăng chậm lại. Giá tiêu dùng tăng chậm dấy lên những lo ngại về nguy cơ giảm phát tại Nhật Bản, đặc biệt sau khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới rơi vào suy thoái trong quý III. Tại Hàn Quốc, với việc lạm phát cứ ở dưới mức 2%, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 10 sau một đợt cắt giảm vào tháng 8. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, một đợt cắt giảm khác sẽ được thực hiện vào đầu năm tới.

     Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay, so với tháng 10/2013, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 10/2014 tăng 1,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2010. Các nhà phân tích cho rằng, những nguy cơ này sẽ là rủi ro lớn mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải theo sát tình hình và hành động nhanh chóng.

Các nước quản giá cả như thế nào?

     Nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển hiện nay kinh tế đều được vận hành theo cơ chế thị trường, thực hiện rộng rãi cơ chế giá do thị trường quyết định. Tuy nhiên, nhiều nước cũng phải sử dụng “bàn tay hữu hình” để can thiệp, uốn nắn các méo mó, bất cập trong sự vận động của thị trường. Ở Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ có quyền yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp bằng chứng và các tài liệu liên quan đến hoạt động định giá; cung cấp và sao chụp các sổ sách về kế toán, các hoá đơn chứng từ, các tài liệu và các thông tin liên quan đến hoạt động định giá.

     Tại Thái Lan, Chính phủ quy định nguyên tắc, thủ tục để xem hành động nào gây ra việc tăng hoặc giảm giá không hợp lý dẫn đến biến động giá cả hàng hoá, dịch vụ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không tuân thủ các biện pháp bình ổn giá, có hành vi đầu cơ, tích trữ hàng hóa sẽ bị phạt tù (không quá 2 năm) hoặc chịu mức phạt tiền không quá 50 triệu won. Nếu vi phạm kê khai giá, không thực hiện báo cáo giải trình giá khi có yêu cầu hoặc báo cáo không trung thực thì bị phạt tiền không quá 10 triệu won.

     Tại Philippines, Bộ Công Thương định kỳ hàng tuần, tháng và quý cung cấp cho người dân danh sách giá bán lẻ khuyến nghị của các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để người dân có nhiều lựa chọn về hàng hóa dịch vụ với giá cả hợp lý. Trước tình trạng các nhà buôn lợi dụng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng để tăng giá trục lợi vào năm 2007, Bộ Công Thương Singapore phối hợp chặt chẽ với Hội Người tiêu dùng để giải quyết các khiếu nại. Ngoài ra, Hội Người tiêu dùng còn đứng ra tổ chức thương thuyết với hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng để tìm hiểu nguyên nhân tăng giá đồng loạt và thỏa thuận mức giá phù hợp cho cả người bán và người mua.

     So sánh CPI của Việt Nam với các nước khác thì chúng ta vẫn ở mức khá cao, cụ thể CPI bình quân 10 tháng năm 2014 so cùng kỳ tăng 4,5%, trong khi đó, Đức tăng 1%, Pháp tăng 0,6%, Thái Lan tăng 2%, Hàn Quốc tăng 1,4%, Singapore tăng 1,3%... (nguồn số liệu đến tháng 10/2014, từ Ngân hàng Thế giới).

     Phát biểu ngày 1/12 tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn của Chính phủ Việt Nam cho biết, Chính phủ nhận định diễn biến lạm phát là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào,  giảm giá thành sản phẩm... qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước. 

Thanh An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh