THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:34

Gia Viễn (Ninh Bình): Khó khăn trong dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất

 Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tài Anh (KCN Gián Khẩu) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: Đức Lam


 Lao động thờ ơ với học nghề

Trong những năm qua, huyện Gia Viễn là đơn vị đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Ngoài Khu công nghiệp Gián Khẩu với hàng chục doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, trong năm 2016, Cụm công nghiệp Gia Phú và Gia Vân với diện tích trên 100ha đang được đẩy nhanh tiến độ san lấp, tạo lập môi trường đầu tư. 

Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng hơn 3.600 người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất, trong đó ước khoảng trên 2.000 người đang trong độ tuổi lao động. Một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ những lao động này chuyển đổi nghề nghiệp khi họ còn ít hoặc không còn đất nông nghiệp để canh tác?

Đến thời điểm hiện nay, xã Gia Phú đã thu hồi 48ha đất, theo đó có 1.046 hộ gia đình nằm trong diện thu hồi đất, trong đó có gần 600 người trong độ tuổi lao động. 

Để mưu sinh, người lao động bị thu hồi đất tự tìm việc làm theo thời vụ; một số lao động đi làm thuê ở xa, một số lao động có vốn mở cửa hàng kinh doanh nhỏ… và chỉ có 125 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và đặc biệt là không có một lao động nào đăng ký học nghề. 

Theo lãnh đạo xã Gia Phú, mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu về ý nghĩa của việc học nghề, song người lao động vẫn chưa mặn mà và vì không có nghề nên người lao động có công việc và thu nhập khá bấp bênh.

Xã Gia Vân cũng là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sang mục đích khác nhiều. Bởi vậy, bài toán giải quyết việc làm cho số lao động thiếu đất cũng như không còn đất sản xuất của xã càng trở nên cấp thiết và được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm hơn bao giờ hết. 

Hàng năm, xã phối hợp với Hội Nông dân, các cơ sở dạy nghề của tỉnh, huyện tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí, tuy nhiên, chỉ có các lao động trẻ là có nhu cầu học nghề, còn đối với phần lớn lao động nông thôn trong độ tuổi 30-55, vốn dĩ khó có cơ hội đi làm ở doanh nghiệp vì không thuộc diện tuyển dụng của doanh nghiệp và cũng không thể tự kiếm việc làm hay đi làm ăn xa thì lại không muốn học nghề.

Ông Hà Giang Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Gia Viễn cho biết, khó khăn lớn nhất của người nông dân sau khi bị thu hồi đất để phục vụ các dự án là lúng túng trong việc chuyển đổi ngành nghề. Đối với các nhà đầu tư, huyện cam kết bàn giao mặt bằng sớm nhưng cũng đề nghị có chính sách ưu tiên về việc làm đối với những hộ dân bị thu hồi diện tích đất. 

Đặc biệt, để người dân bị mất đất có việc làm lâu dài, huyện đã đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động bị thu hồi đất. Lao động thuộc diện bị thu hồi đất đều được tham gia các lớp học nghề miễn phí. Bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” và dạy nghề lưu động… 

Tuy vậy, số người tham gia học nghề còn rất thấp. Tính riêng năm 2016, huyện mới dạy nghề cho 45 lao động bị thu hồi đất ở xã Gia Sinh, trong khi số lao động thuộc diện thu hồi đất lên đến hơn 2.000 người.

Để lao động “sống” được bằng nghề đã học

“Nỗ lực để người lao động có thể “sống” bằng nghề đã học”- đó chính là khẳng định của bà Lưu Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động bị thu hồi đất nói riêng. 

Theo đó, hàng năm, huyện Gia Viễn đều tổ chức cho cán bộ đi tham quan, tìm hiểu thị trường, tham khảo phương thức làm ăn… ở những địa phương khác. Từ những chuyến đi thực tế này, các cán bộ làm công tác dạy nghề đã tiếp cận và đưa được một số nghề triển vọng, phù hợp về với địa phương, điển hình như nghề chẻ tăm hương. Hiện một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… luôn trong tình trạng “khát” sản phẩm… 

Mặt khác, sản xuất tăm hương vừa đơn giản, lại không phải đầu tư vốn nên rất phù hợp với các đối tượng lao động thủ công. Các doanh nghiệp cam kết, nếu Gia Viễn có nhu cầu phát triển nghề tăm hương, doanh nghiệp sẽ cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi để dạy nghề; đồng thời doanh nghiệp sẽ bao tiêu luôn sản phẩm cho người lao động.

Đặc biệt, UBND huyện cũng căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn nghề cho lao động bị thu hồi đất. Theo đó, huyện đã phối hợp mở lớp dạy các nghề như: kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch cho 45 lao động ở xã Gia Sinh. Khảo sát sau khóa học của lao động xã Gia Sinh cho thấy, người lao động phấn khởi vì được học đúng nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với năng lực của bản thân. 

Vốn đã biết nghề, song sau khi học nghề, người lao động có thể nâng cao chất lượng và thu nhập từ nghề. Từ hiệu quả của lớp học này, huyện đang chuẩn bị mở thêm các lớp dạy nghề này cho lao động thuộc diện thu hồi đất ở xã Gia Vân…

Ngoài ra, “đón đầu” nhu cầu của doanh nghiệp, huyện tiếp tục đưa nghề may công nghiệp vào dạy ở những xã có doanh nghiệp may mặc đóng chân trên địa bàn như Gia Phú, Gia Minh, Gia Tân, Gia Vân… bằng việc đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đào tạo nghề cho lao động. 

Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên; cung cấp các trang, thiết bị cho người lao động học nghề. Với cách làm này, phần lớn học viên sau khi học xong sẽ được bố trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu công việc... Cùng với đó, tận dụng lợi thế về nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp còn về tận các xã để mở xưởng may vệ tinh.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các làng nghề như: đan chiếu trúc ở Gia Xuân, trồng nấm rơm ở Gia Tiến, nghề thêu ren ở Gia Thanh... phát triển, qua đó tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn nói chung, lao động thu hồi đất nói riêng. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi lao động cũng có thu nhập hơn một triệu đồng/tháng. 

Tuy chưa phải là cao, nhưng cũng góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình. Cán bộ huyện thường xuyên về kiểm tra, động viên các lao động làm nghề. Qua đó, một mặt rút kinh nghiệm cho những khoá đào tạo sau, mặt khác nắm bắt chính xác được tình hình của lao động, tránh xảy ra tình trạng lao động bị doanh nghiệp ép giá.

Những nỗ lực của huyện Gia Viễn rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sẽ vẫn là vô nghĩa nếu như “chủ thể” được nhận các chính sách hỗ trợ này vẫn còn thờ ơ với việc học nghề. Đã đến lúc lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc diện thu hồi đất cần hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề. Bởi lẽ, với những người không còn đất sản xuất, học nghề không phải để làm thêm mà là để mưu sinh lâu dài.

THU HƯƠNG - QUÁCH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh