THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:38

Ninh Bình: Thực hiện tốt công tác chính sách người có công và an sinh xã hội

 

Quan tâm chăm sóc người có công

Sau khi Pháp lệnh ưu đãi Người có công (NCC) với cách mạng sửa đổi bổ sung được ban hành, toàn ngành đã tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ nhiều năm trước về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công, đồng thời tập trung cao độ giải quyết cho các đối tượng mới được bổ sung hưởng chính sách ưu đãi với số lượng rất lớn, trên 35.000 lượt người được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Đề nghị Chủ tịch nước tặng và truy tặng 842 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (gồm phong tặng 95 mẹ và truy tặng 747 mẹ), nâng tổng số 1.187 Bà mẹ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 9 thương binh từ trần do VT tái phát, cấp lại 1.073 Bằng Tổ quốc ghi công bị mất hoặc rách, hỏng. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách cho trên 30.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 142/QĐ-TTg và người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh rà soát 121 đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg; Tổ chức thực hiện chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh và đã xử lý giải quyết dứt điểm các sai sót sau rà soát.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan tặng quà cho các học sinh tiểu học tại Ninh Bình

 

Đồng thời với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, ngành đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 35.000 người hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế do ngân sách Trung ương đài thọ và trên 35.000 đối tượng hưởng ưu đãi BHYT do ngân sách địa phương đài thọ; trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Với tổng kinh phí chi trả hàng năm gần 600 tỷ đồng, đảm bảo an toàn không để xảy ra thất thoát, mất cắp, mất trộm. Thực hiện điều chỉnh kịp thời, chính xác mức trợ cấp cho đối tượng theo quy định tại các nghị định của Chính phủ cho từng giai đoạn. Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 34.200 lượt người có công (mỗi năm từ 7.000 - 11.000 người), trong đó hàng năm tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi điều dưỡng tập trung ở các trung tâm tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đảm bảo an toàn.

Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội ở Ninh Bình trong năm qua đã đạt được những thành tựu mới trong công tác giảm nghèo. Theo đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo để họ tự vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Công tác giảm nghèo đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là thu hút được sự hưởng ứng, chia sẻ tích cực của cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo đó chính là đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo. Trong năm 2015, Ninh Bình đã thực hiện tốt chương trình, giải pháp tạo việc làm và chính sách phát triển thị trường lao động. Hoàn thành công tác thu thập thông tin cơ sở dữ liệu cung - cầu tại 1.999 doanh nghiệp với trên 71.000 hộ dân. 

 

Phát triển làng nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Bình

Qua đó, đã tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt kịp thời thị trường lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề sát thực, phù hợp với thị trường cung- cầu lao động. Trong năm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 12 phiên giao dịch việc làm với gần 4.000 người tham gia đăng ký phỏng vấn, số người tìm được việc làm qua sàn là trên 1.300 người, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.500 người. Từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, đã cho vay vốn 875 dự án với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.770 lao động. Kiểm tra 20 cơ sở có dự án vay vốn giải quyết việc làm cho thấy các cơ sở đã sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao... Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.680 người, vượt 11% kế hoạch. Các địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động là thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Yên Mô… Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều, bền vững qua các năm. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn trên 11 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐTTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các huyện, thành phố tập trung nguồn lực cho tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo chính xác, hiệu quả. Kết quả rà soát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 8,01%. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình tiếp tục hoạch định các chính sách, giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, các hoạt động chi trả, trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được đẩy mạnh. Trong năm, Ngành đã chi trả trợ cấp kịp thời cho trên 40 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên; tặng trên 60 nghìn suất quà và 400 tấn gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi nhân dịp Lễ, Tết với số tiền gần 50 tỷ đồng. Ngành cũng phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh cấp trên 130 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện trợ cấp hàng tháng cho trên 20.000 người cao tuổi… Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm, ngành đã hỗ trợ kinh phí phẫu thuật an toàn cho 69 trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có khó khăn về kinh tế, trong đó hỗ trợ phẫu thuật cho 16 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh (mỗi ca hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng), phẫu thuật cho 54 trẻ em khuyết tật vận động; tặng trên 600 suất học bổng trị giá 650 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm tới Ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình tiếp tục tập trung GQVL cho người lao động, đào tạo nghề, XĐGN, giải quyết chính sách bảo trợ xã hội , phòng chống TNXH, từng bước nâng cao đời sống của đối tượng chính sách và nhân dân trong tỉnh. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết nhất trí, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tập thể CBVC toàn ngành LĐ luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Luôn thực hiện tốt mọi chế độ chính sách đối với NCC với cách mạng. Các chế độ luôn được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, góp phần giúp đời sống gia đình NCC luôn bằng hoặc cao hơn so với mức bình quan dân cư nơi cư trú. Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để chung tay chăm lo, chia sẻ, tri ân với NCC với cách mạng, để những NCC và thân nhân họ vơi đi nỗi đau thương, mất mát; đồng thời, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Những thành qủa đạt được trong những năm qua, không chỉ là sự cố gắng vượt bậc của toàn CBVC ngành LĐTB&XH Ninh Bình mà còn là niềm tự hào của toàn ngành đã góp phần tác động mạnh mẽ đến  đời sống của các đối tượng chính sách, NCC, đảm bảo An sinh xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Nguyên Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh