THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:03

Gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em

Phát hiện 1.800 vụ xâm hại trẻ em mỗi năm

Tội phạm xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu ở các tội danh như: giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em… Trong 5 năm (2011 - 2015) cả nước xảy ra gần 9.100 vụ xâm hại trẻ em, tăng gần 1 nghìn vụ so với giai đoạn 2006 - 2010.

Theo số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tổng số nạn nhân xâm hại trẻ em lên đế gần 11 nghìn em. Các loại án giết trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em tăng. Tình hình sử dụng trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc vẫn chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả. Thậm chí, có một số vụ việc tồn tại trong một thời gian dài gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 70% số vụ xâm hại trẻ em, số trẻ em ít tuổi bị xâm hại tình dục tăng. Có vụ trẻ em bị hiếp dâm khi còn rất nhỏ tuổi, một số trẻ em bị hiếp dâm nhiều lần, trong khoảng thời gian dài, hay nhiều đối tượng hiếp dâm, giao cấu một em gái  khi mới 13 -14 tuổi đã xảy ra ở nhiều địa phương. Các loại tội phạm khác như mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy, tổ chức mại dâm trẻ em có diễn biến phức tạp.

Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, số vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Qua phân tích cho thấy, số người chưa thành niên phạm tội ở hầu hết các tội danh hình sự, phổ biến các tội xâm phạm sở hữu, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm như: trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, hiếp dâm, lừa đảo, giết người, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp.

Bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp

Trung bình, hàng năm xảy ra gần 10 nghìn vụ vi phạm pháp luật với gần 12 nghìn đối tượng ở lứa tuổi chưa thành niên gây ra. Trong đó, trên 70% số trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi 16-18 tuổi. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm sử dụng dao lê, mã tấu đâm chém, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Đáng chú ý, số người chưa thành niên vi phạm pháp luật chủ yếu là những em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, thậm chí cấu kết sống như bầy đàn, thuê nhà nghỉ, thuê nhà trọ ăn ngủ, sinh hoạt, quan hệ tình dục… chiếm trên 40% về số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Số vụ án do người chưa thành niên tái phạm lần thứ 2 trở lên vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 45%).

Người chưa thành niên nghiện ma túy bị nhiễm HIV, trẻ em gái mang thai sớm, trẻ em hư, trẻ em bỏ học vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với những diễn biến và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp. Một số vụ học sinh đánh nhau, quay video phát tán trên mạng Internet, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và đào tạo.

Đại tá Trần Mười, Trưởng  phòng Xã hội, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, đến nay, Cục Cảnh sát hình sự đã chủ trì và phối hợp với công an một số tỉnh, thành phố triển khai mô hình "Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng". Đồng thời, tập huấn kỹ năng sống, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người chưa thành niên... “Chúng tôi phải làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, bắt trẻ em lao động sớm, trẻ em làm nô lệ… Chúng tôi cũng tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ban hành các chủ trương, giải pháp, biện pháp để làm tốt công tác này. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương thực hiện tốt, nhất là đối với các vụ mà trẻ em bị bắt cóc, mua bán ra nước ngoài phải hết sức quan tâm và phải điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh” – Đại tá Trần Mười nói.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh