Gia nhập AEC: Thách thức lao động chất lượng cao
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 03:57 - 19/02/2016
Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang “khát” lao động trình độ kỹ thuật, tay nghề cao để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như: Điện tử viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo, hóa dược phẩm... đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam cần khoảng 1 triệu người đến năm 2020 (gấp đôi thời điểm hiện tại), riêng TP. Hồ Chí Minh trong năm 2015 cần đến 100.000 người phục vụ cho 10.000 doanh nghiệp.
Nhân lực chất lượng cao vẫn đang là bài toán ở tất cả các ngành nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đơn cử như lĩnh vực ngân hàng, với việc Việt Nam đã chính thức hội nhập AEC, đồng thời trở thành thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong những năm tới, diện mạo các ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi. TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) phân tích: “Trong ba trụ cột chính của các ngân hàng là: Vốn, công nghệ- sản phẩm và con người, thì trụ cột thứ ba sẽ là nhân tố chịu sự tác động mạnh nhất, bởi chính nhân tố này là động lực làm nên sự khác biệt của các ngân hàng thương mại, tạo ra sức cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng trong môi trường hội nhập”.
(Ảnh minh họa)
TS Đặng Xuân Hoan, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhận định, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhu cầu lao động trình độ cao có xu hướng gia tăng nhanh, tập trung ở một số lĩnh vực quan trọng, tạo ra lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và giá trị gia tăng nhanh cho nền kinh tế đất nước. Đồng thời việc dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ hơn, sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đối với thị trường lao động các nước. Ngược lại, một lực lượng lao động giỏi, có kinh nghiệm từ các quốc gia khác tham gia hội nhập tại thị trường Việt Nam cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn, bổ sung nguồn nhân lực mới với trình độ, chuyên môn cao cho chính những doanh nghiệp trong nước. Về phía người sử dụng lao động là các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng cần có những chính sách tuyển dụng, “giữ chân” người lao động hợp lý, bởi đây chính là lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị, lợi nhuận cho mỗi Cty, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nhân lực, cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ở các vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách...). Đồng thời, cần phải đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây cũng là nhiệm vụ then chốt, giải pháp chủ yếu để phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020 và những thời kỳ tiếp theo.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) chỉ ra rằng, cánh cửa hội nhập mở rộng đã tiếp tục mang lại những cơ hội cho thu hút FDI. Tuy nhiên, sự phân công lao động ngày một rạch ròi của thế giới ngày nay sẽ khiến FDI không còn hứng khởi quá đà như trước. Do đó, nếu không xây dựng được chính sách tốt với người lao động thì nguy cơ bị mất lao động, “chảy máu” những nhân sự chủ chốt, trình độ cao có thể xảy ra, điều này càng bất lợi nếu họ tham gia “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động hiện nay là theo hướng tích cực, hiện đại và dần nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động. Việt Nam cần có chiến lược cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia.