THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:11

Dịch chuyển lao động – điều kiện sống còn của AEC

 

Chảy máu chất xám

Sau 10 năm đàm phán, AEC sẽ ra đời vào cuối năm nay. Các nước ASEAN đặt nhiều kỳ vọng vào AEC, đặc biệt là việc tập trung vào mở rộng các ngành kinh tế cạnh tranh và phá vỡ các rào cản thương mại. Lợi ích từ việc thực hiện AEC có thể góp phần tăng tổng sản lượng kinh tế ASEAN lên 7% vào năm 2025 và tạo ra khoảng 14 triệu việc làm mới cho người lao động.

Nhưng, những lợi ích này sẽ chỉ là trên lý thuyết nếu như các thỏa thuận về di chuyển dòng lao động tự do không được thực hiện. Việc hạn chế di chuyển lao động hiện nay trong ASEAN không những trái với mục tiêu trọng điểm của AEC mà còn tạo ra những khó khăn cho khu vực để đạt được mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế.

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, thay vì hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, các quốc gia đưa ra chính sách khuyến khích những lao động có tay nghề cao ra ngoài khu vực ASEAN làm việc. Hơn 80% tổng số lao động di cư của Thái Lan và Philippines tìm việc bên ngoài ASEAN. Người di cư ở Việt Nam hay Indonesia cũng theo xu hướng này. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động có tay nghề trong các nước ASEAN.

Những xu hướng hiện nay cho thấy, đến năm 2025, hơn một nửa các công việc yêu cầu tay nghề cao tại Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ được thực hiện bởi những công nhân không đủ trình độ chuyên môn.

Trong nhiều thập kỷ, phần lớn lao động di cư giữa các nước ASEAN (trên 85 %) đã hình thành một tiền lệ rằng lao động phổ thông có xu hướng di chuyển từ các nước nghèo đến các nước giàu hơn. Do vậy, một phần quan trọng của AEC là các nước ASEAN sẽ phải thúc đẩy dịch chuyển dòng lao động có tay nghề trong các lĩnh vực kế toán, kiến ​​trúc, kỹ thuật, khảo sát, y học, điều dưỡng, nha khoa và du lịch nội khối.

Các chuyên gia của Đông Nam Á hy vọng dòng lao động có tay nghề này sẽ phát huy những nền tảng và kỹ năng để phát triển nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, quy trình cấp giấy phép, yêu cầu về giáo dục và sự không chắc chắn về các quy tắc của cả người thuê lao động và người lao động trong ASEAN là những rào cản để quá trình dịch chuyển lao động có tay nghề trong Hiệp hội diễn ra suôn sẻ.

Có thể nói, hiện nay các nước ASEAN đang tồn tại những khác biệt trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Song, những điều này có thể được khắc phục bằng cách chuẩn hóa và thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng lao động.

Ảnh minh họa 

 

Rào cản với các MRA

Trong khoảng từ năm 2005 tới năm 2012, các nước ASEAN đã ký nhiều các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) liên quan tới 6 ngành, bao gồm kỹ thuật, điều dưỡng, kiến ​​trúc, y khoa, nha khoa, du lịch. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng thỏa thuận chung về việc tạo điều kiện di chuyển lao động qua biên giới.

Các khuôn khổ trong MRAs đang tạo điều kiện tối đa hóa sự dịch chuyển lao động xuyên biên giới trong Hiệp hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm ký kết, một số MRAs dường như chưa được đi vào thực thi do thiếu sự kết nối sâu rộng giữa những cam kết tầm khu vực với sự dịch chuyển lao động trong khu vực. Hệ thống luật pháp quốc gia và chính sách không khuyến kích người dân lao động nước ngoài cũng là những yếu tố khiến một số MRAs chưa được thực hiện.

Ngoài ra, sự khác biệt về lợi ích giữa các quốc gia, các ngành và doanh nghiệp trong ASEAN cũng khiến việc thực hiện một số MRAs bị cản trở. Các nước kém phát triển có nhu cầu lao động khác biệt với các nước phát triển hơn trong ASEAN. Các doanh nghiệp trong mỗi nước thành viên cũng có quan điểm khác nhau về cơ chế mở cửa thị trường lao động.

Như vậy, mặc dù ASEAN cần dòng chuyển dịch lao động có tay nghề, nhưng với những bất cập nêu trên, quá trình này diễn ra chậm chạp cũng là điều dễ hiểu. ASEAN khuyến khích hội nhập khu vực nhưng trên thực tế các nước thành viên đã và đang hoạt động trong một thị trường toàn cầu và có sự cạnh tranh mạnh mẽ về dòng đầu tư.

Có lẽ, các nhà lãnh đạo ASEAN đều nhận thức được vấn đề này và cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy dòng lưu chuyển tự do về lao động. Hy vọng rằng, trong diễn đàn cấp cao ASEAN về dịch chuyển lao động có tay nghề diễn ra tại Bali, Indonesia tuần này, đại diện các nước thành viên sẽ đưa ra một lộ trình thực hiện các MRAs hiện hành và các MRAs trong tương lai.

VL/ Báo LĐ&XH- tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh