THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Giá lợn hơi chạm đáy, giá ở chợ cao, Bộ trưởng Nông nghiệp: "Người dân bình tĩnh, Bộ không vô cảm"

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan (ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan (ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

- Người dân đang rất quan tâm tới vấn đề giá lợn hơi rất thấp nhưng giá bán ngoài chợ và siêu thị lại rất cao. Nguyên nhân vì sao thưa Bộ trưởng? 

- Vấn đề đầu tiên, tôi đề nghị truyền thông hết sức cân nhắc vì nhiều khi truyền thông sẽ tạo hiệu ứng về giá cả.

Tôi lấy ví dụ thông tin đang tồn đọng 8 triệu con lợn trong chuồng là không chính xác. Nhưng thông tin này lại tạo hiệu ứng tới người nông dân. Họ lo ngại lợn tồn nhiều nên phải bán nhanh, bán đổ, bán tháo bằng mọi giá. Khi cùng lúc nhiều người bán, thị trường đứt gẫy do COVID-19, trong khi giá cả được quyết định dựa trên cung-cầu, nên tạo hiệu ứng dây chuyền.

Vấn đề thứ hai, về hệ thống siêu thị, đơn hàng họ đặt trước 5-7 tháng, không thể đơn giản là hạ giá mua hiện tại xuống thì giá họ bán ra phải xuống theo. Khi giá lên họ cũng vẫn giữ giá thì không ai nói nhưng hạ giá mà họ giữ thì lại bị phản ứng.

Ngay cả thương lái khi thu mua, đem về lò mổ cũng phải giữ lại từ từ không phải mua đi - bán lại ngay, mổ liền. Họ để 5 ngày, nửa tháng, bán lợn theo nhu cầu thị trường thì thức ăn, tiền lưu kho lưu bãi họ phải chịu, những chi phí đó nhiều khi chúng ta không hình dung được.

Hiện có rất nhiều nguyên nhân lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn người nông dân nuôi lợn, để có được số lượng như hiện nay thì cả năm trước đầu tư giống rồi, đâu biết thị trường đứt đoạn, COVID-19, cứ kỳ vọng thị trường nhanh chóng vượt qua, khi biết rồi thì phải chấp nhận giá xuống.

Chúng ta phải quen dần cung cầu thị trường có lúc lên, lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối được hết, bởi có quá nhiều tác nhân tham gia vào chuỗi. Ngành nông nghiệp trong thời điểm nào đó chưa dự báo kịp thị trường và điều tiết, đặc biệt trong điều kiện COVID-19. Ngành nông nghiệp sẽ phải chấn chỉnh lại.

Tôi đã nói về câu chuyện mù mờ. Nền sản xuất của mình mù mờ, người nuôi mù mờ, tiêu dùng mù mờ, trung tâm phân phối cũng mù mờ, 3-4 điểm mù mờ gặp nhau.

Xưa nay ngành nông nghiệp xem sứ mệnh của mình là khuyến khích sản xuất, cứ sản xuất và đi theo dõi sản xuất xem có bao nhiêu lúa, cá, tôm, bao nhiều trái cây. Nhưng, đó không phải là kinh tế, khi ra thị trường nó mới là kinh tế. Còn như vậy chỉ là nông sản thô đang nằm trên đồng thôi. Chúng ta cứ khuyến khích sản xuất, chăn nuôi làm sao tốt nhất, còn cứ nghĩ chuyện mua bán là chuyện của bà con, nhưng như vậy là không được.

Do đang nhầm lẫn vấn đề đó nên bây giờ để không mù mờ thì phải có số liệu. Ngay đầu vụ, ngành nông nghiệp địa phương cần tập hợp và thống kê trên địa bàn mình sản lượng thu hoạch là bao nhiêu, từng thời điểm thế nào, thì cần ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải đảm nhiệm luôn cả câu chuyện thị trường, bởi thị trường quyết định cái mình khuyến khích tăng, giảm sản phẩm nào. 

Thực tế, nhiều khi khuyến khích tăng sản lượng không đồng nghĩa với thu nhập tăng. Hay có thời điểm còn ngược lại, như lúc này, sản lượng thịt cao nhưng thu nhập người dân lại lao đao, nên phải quay lại theo đúng quy luật thị trường.

- Xin Bộ trưởng cho biết về quan điểm giá thịt lợn cao do một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn neo giá ở mức cao, rồi khâu trung gian, thương lái ép giá, làm giá? 

- Việc này cần đánh giá kỹ lưỡng hơn. Vừa qua trong giãn cách biết bao nhiêu lò mổ phải dừng hoạt động, những nhà máy lớn cũng phải thực hiện 3 tại chỗ, lượng công nhân thấp hơn, năng suất thấp hơn, thị trường không có. 

Doanh nghiệp thị phần lớn có sức chống chọi tốt hơn, dự báo tốt hơn, nhưng tác động của dịch COVID vừa qua thì rất khó dự báo. Mọi chủ trương phòng chống dịch, các địa phương đưa ra biện pháp khác nhau nên luồng vận tải đứt gẫy, cũng đều tác động đến thị trường. Có thời điểm thị trường cần nhưng nông sản không tới được do bị luồng xanh và luồng đỏ, rồi mất cả tháng để thống nhất cái gì thiết yếu, cái gì không thiết yếu.

Có thể có hiện tượng, lợi ích con người, doanh nghiệp không tránh khỏi có lúc tát nước theo mưa, nhưng yếu tố đó là bao nhiêu, cần phải làm rõ.

Rồi cũng không loại trừ khi chi phí các khâu trung gian tăng quá cao, thương lái sẽ phải đẩy giá mua xuống để bù lại, nên nhiều khi mình nói người ta ép giá cũng là lý đó. Rồi mua nhiều quá mà bán không được nhiều, nên phải bù giá thấp để bù chi phí. 

Tuy nhiên, nhân tố chủ quan tạm gọi là lợi ích nhóm, chiếm bao nhiêu so với khách quan, thì cần phải làm rõ hơn để làm sao tạo ra niềm tin, lòng tin cho người nông dân.

- Bộ trưởng có dự báo thế nào về cung - cầu từ giờ đến cuối năm và có khuyến cáo như thế nào để khâu đầu ra có thể giảm bớt giá thành? Chúng ta có lo ngại cung thì vẫn dư thừa mà giá vẫn tăng mạnh đặc biệt vào dịp Tết hay không?

- Vừa qua chúng ta đã cho phép mở cửa luồng xanh, nhiều hoạt động trở lại, chợ mở cửa, nên giá đã bắt đầu nhích lên, nên cần thực hiện chủ trương phục hồi kinh tế, mở thị trường linh hoạt, trong điều kiện an toàn sẽ giúp tác động cung cầu. Bộ Nông nghiệp không thể tác động cung cầu để giá lên, nên sẽ phối hợp với Chính phủ, các ngành để làm sao giải quyết được việc mở cửa thị trường, không bị tắc ở khâu vận chuyển.

Nhưng tình hình rất khó lường. Bộ trưởng không phải là người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường. Chúng ta thấy, với dòng người từ các đô thị về các địa phương lại bắt đầu bùng dịch lên, ai tiên đoán được Tết này sẽ thế nào? Mới đây có thông tin xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn chủng Delta, khi nào nó tới mình thì cũng không ai biết. Vì vậy tất cả mọi phương án là dự trù.

Tôi hi vọng với chủ trương của Thủ tướng, độ phủ tiêm vaccine cao, thì chiều hướng thị trường tốt hơn. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm đưa ra nhiều kịch bản để làm sao đảm bảo cung cầu, đặc biệt dịp Tết. Trong đó, chúng tôi sẽ bám sát thị trường trên cơ sở cho thống kê lại, khi từ trước đến nay ta thống kê đơn giản quá. 

Ngành sẽ tập trung phân tích lại đầu cung theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng những dịp Tết trong nhiều năm vừa qua là bao nhiêu.

Đồng thời, chúng tôi sẽ cùng làm việc các trung tâm phân phối tiêu thụ lớn, phân tích số liệu cụ thể, bởi số liệu vừa rồi ngành nông nghiệp làm chưa sát, nên phải làm sao sát số liệu đó ở chừng mực nào đó. Cũng khó khăn vì ta chăn nuôi nhỏ lẻ quá, nên khó kiểm đếm được các chuồng đó nuôi bao nhiêu.

Tôi cũng khuyến nghị người dân nên bình tĩnh, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm chứ không vô cảm.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thành Công (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh