Gia Lai: Tạo cơ hội giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
- Dược liệu
- 14:20 - 03/10/2018
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn do phong tục, tập quán, cũng như trình độ canh tác nông nghiệp lạc hậu. Gia Lai đặt mục tiêu, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giúp đồng bào dân tộc thiếu số sớm thoát nghèo.
Hướng dẫn hộ nghèo kinh nghiệm trồng ngô hiệu quả.
Sau 10 năm đồng hành cùng với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, giúp cho hơn 95.000 hộ dân tộc thiểu số ở Gia Lai thoát nghèo; thu hút và tạo viêc làm cho hơn 20.000 lao động. Trong đó gần 600 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 4.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo chuyển biến mới về nhận thức, cách tiếp cận các phương thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên cải thiện cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen vùng nông thôn.
Người dân nuôi bò phát triển kinh tế.
Điển hình cho những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo bền vững là gia đình anh Siu Đơl (dân tộc Jrai) ở thôn H’Lil 2, xã Ia MRơn, huyện Ia Pa. Năm 2011, được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, gia đình anh Đơl đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng theo diện hộ nghèo để mua 1 con bò sinh sản về tăng gia sản xuất. Sau gần 3 năm chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, năm 2014, gia đình anh bán bò được 25 triệu đồng và trả hết vốn vay ngân hàng. Còn lại ít vốn anh tái đầu tư vào trồng mía, sắn, lúa… Cứ thế, có tiền lại đầu tư mở rộng. Đến năm 2015, gia đình anh đã thoát nghèo. Đầu năm nay, gia đình anh tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn theo diện hộ mới thoát nghèo để mở rộng sản xuất. Có thêm vốn, gia đình anh Đơl đầu tư có chiều sâu 2 ha mía, 2 ha sắn, 1 ha lúa và đàn bò 5 con. Các khoản thu này mang lại cho gia đình anh Đơl thu nhập 70 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí.
Ga đình chị Rơ Châm H’Ốp ở làng Chinh Đơn 2, xã Ia Mlá, huyện Krông Pa cũng là một điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay. Năm 2012, gia đình chị được hỗ trợ cho vay theo tiêu chuẩn hộ nghèo 40 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn bò đã phát triển tăng đàn lên 11 con và giúp gia đình chị thoát nghèo từ năm 2016. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn hộ mới thoát nghèo 40 triệu đồng để đầu tư trồng 2 ha sắn. Chỉ tính riêng nguồn thu từ 2 ha sắn đã cho thu nhập 25 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Huyện Ia Pa là một địa phương thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh chiếm 38%; trong đó tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Nhận thức được vấn đề này, địa phương rất quan tâm đến xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương và người dân còn nhiều hạn chế. Do vậy, nguồn vốn chính sách xã hội là một kênh quan trọng, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có điều kiện thuận lợi vươn lên thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Vĩnh Hương cho hay, sau khi nguồn vốn ưu đãi đến với bà con, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng hiệu quả đồng vốn. Những hộ thoát nghèo cũng dần có kinh nghiệm, biết sử dụng đồng vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để giảm nghèo bền vững, địa phương tranh thủ lồng ghép tập huấn và chuyển giao các mô hình sinh kế có hiệu quả từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Dự án Hỗ trợ tam nông… để bà con định hướng đầu tư có hiệu quả; qua đó góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của địa phương xuống 5% - tốc độ giảm nghèo cao so với tỉnh.
Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng), đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số. Trước đây, gia đình chị Rơ Lan H’Blơn, làng Đo, xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) thuộc hộ nghèo của xã, gia cảnh khó khăn. Chị H’Blơn cho biết: Từ khi được chính quyền địa phương cùng Công ty 74, Binh đoàn 15 hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây điều, cao su, cà phê, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo còn được Binh đoàn 15 hỗ trợ vốn, nông cụ, phân bón để phát triển sản xuất nên người dân rất phấn khởi, tập trung phát triển kinh tế. Biết cách trồng trọt, bón phân, chăm sóc cây trồng hợp lý, hiện nay, thu nhập gia đình chị H’Blơn đạt khoảng 70 triệu đồng/năm, không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, các con được đến trường. Cùng với hộ chị Blơn, nhiều gia đình trong làng Đo cũng đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ sự hỗ trợ phát triển kinh tế từ Binh đoàn 15.