THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Gia Lai: San lấp đất ruộng để bán nền, nếu không khắc phục nguyên hiện trạng sẽ thu hồi đất

 

Công văn của  UBND huyện Ia Grai

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, ông Nguyễn Công Tiến và ông Phạm Minh Sỹ đã có hành vi san lấp trên đất trồng lúa tại cánh đồng Ia Chor, xã Ia Đêr. Hiện trạng nền san lấp chủ yếu là đất dùng cho mục đích trồng lúa, một số diện tích nhỏ có trồng chuối, chiều cao đất đổ san lấp trung bình từ 0,3m đến 0,5 m so với nền đất cũ. Việc thực hiện san lấp của hai ông trên chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không có giấy tờ hợp pháp. Hành vi san lấp đất trên đã làm biến đổi địa hình, thay đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, là hành vi hủy hoại đất (quy định tại khoản 25 điều 3 Luật đất đai) và thuộc những hành vi nghiêm cấm (quy định tại Điều 12 luật đất đai năm 2013) nên cần phải được xử lý theo quy định.

Nhằm trả lại nguyên trạng ban đầu, UBND huyện Ia Grai yêu cầu các ông Nguyễn Công Tiến và Phạm Minh Sỹ phải thực hiện biện pháp khắc phục hiện trạng như ban đầu toàn bộ diện tích đã đổ đất san lấp làm biến đổi địa hình, hoàn thành trước ngày 15-6-2019. Nếu quá thời gian quy định trên mà các ông Nguyễn Công Tiến và Phạm Minh Sỹ không thực hiện, UBND huyện Ia Grai sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện quy trình thu hồi đất theo quy định tại khoản b, điểm l, điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Giải thích về lý do không xử phạt vi phạm hành chính đối với hai ông Nguyễn Công Tiến và Phạm Minh Sỹ, ông Đặng Lương Minh Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đêr cho biết, căn cứ Nghị định 102/2014/NĐ-CP, tại thời điểm kiểm tra, chỉ thấy những cá nhân này đổ đất, san lấp ruộng chứ chưa xây nhà trái phép, tức là hành vi thay đổi hiện trạng đất. Do vậy, chính quyền không phạt vi phạm hành chính mà buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

 

Hiện trường vụ việc


Thời gian vừa qua, tại khu vực làng Brel, xã Ia Đêr, một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc san lấp đất trồng lúa khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, làm ảnh hưởng đến sản xuất của một số hộ dân lân cận và thay đổi hiện trạng, mục đích sử dụng đất trên địa bàn. UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã Ia Đêr tiến hành kiểm tra, làm việc với các hộ dân liên quan. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này ở địa phương này. Cách đây khoảng 5 năm, nhiều cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số nơi đây, đã mua đất ruộng ở đây với giá dao động từ vài chục đến một trăm triệu đồng/sào sau đó đổ đất, phân nền bán lại với giá thấp nhất là 100 triệu đồng/100m2, tính ra, 1ha đất lúa, nhiều cá nhân kiếm được tiền tỷ.

Thời điểm đó, hoạt động này diễn ra ồ ạt và công khai khiến diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình SX của người dân. Cụ thể, trước đây, dân làng làm 2 vụ lúa nhưng sau đó vụ đông xuân không làm được vì thiếu nước. Nguyên nhân, do người ta đổ đất xây nhà làm cho nước khó theo mương dẫn vào ruộng. Mùa mưa thì nước thoát không kịp nên mương nước bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ngoài ra, nhà cửa mọc lên san sát khiến dân làng không còn đường đưa máy móc vào ruộng và cũng không còn đường để vận chuyển lúa nên rồi lâm vào thế buộc phải bán ruộng.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh