Gia Lai: Phục hồi điều tra vụ "gỗ mục" gây thương tích
- Pháp luật
- 18:37 - 10/03/2020
Theo hồ sơ, nhà bà Nguyễn Thị Mạc (sinh năm 1967) giáp ranh với nhà bà Hồ Thị Lam (sinh năm 1967). Khoảng 15 giờ ngày 5/8/2015, vì mâu thuẫn nên bà Lam cùng con trai là Trần Phúc Thức dùng gậy gỗ đánh bà Mạc bị thương. Công an huyện Đức Cơ vào cuộc xác định, bà Lam đánh bà Mạc bị tổn thương 3% sức khỏe song lại cho rằng "hung khí gây ra thương tích cho bà Mạc không phải là hung khí nguy hiểm" nên đã ra quyết định số 24 về việc không khởi tố vụ án hình sự. Không đồng tình, bà Mạc làm đơn khiếu nại. VKSND tỉnh Gia Lai cho rằng, ngày 15/9/2015, Công an xã Ia Lang nhận bàn giao 2 thanh gỗ được xác định là vật bà Lam dùng để gây thương tích cho bà Mạc.
Tại biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản ngày 15/9/2015 (BL số 23), Công an xã Ia Lang ghi: "thanh gỗ có chiều dài 40 cm x chiều rộng hình dạng 3 cạnh hình tam giác"; bà Mạc và bà Lam cùng ký xác nhận, phía dưới 2 chữ ký còn ghi: "tôi xác nhận thanh gỗ nhỏ hơn là vật tôi dùng đánh bà Mạc". Tuy nhiên, tại biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản ngày 15/9/2015 do Công an xã Ia Lang giao cho bà Mạc lại không có phần ghi nội dung xác nhận của bà Lam về việc dùng thanh gỗ nhỏ hơn đánh bà Mạc(?). Như vậy, trong cùng một giờ, một ngày, Công an xã Ia Lang đã lập hai biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản để thu giữ cùng một vật chứng nhưng lại có nội dung khác nhau là không phản ảnh được sự thật khách quan của sự việc.
Tiếp đó, ngày 9/10/2015, Công an xã Ia Lang tiến hành bàn giao vật chứng cho Công an huyện Đức Cơ, bút lục số 25 mô tả: "1 thanh gỗ khô mục có nhiều lỗ mối mọt, hình tam giác có chiều dài 46cm, rộng 2cm và 1 thanh gỗ khô đã cũ có 3 cạnh, cạnh rộng nhất 6cm, một cạnh 4,5cm, một cạnh 3,5cm, chiều dài 40,04cm". Như vậy, việc mô tả vật chứng giữa bút lục số 23 với bút lục số 25 có sự khác nhau. Từ 2 thanh gỗ được Công an xã Ia Lang mô tả chung chung, không chi tiết đặc điểm, tình trạng, khi bàn giao cho Công an huyện Đức Cơ thì một trong hai thanh gỗ được mô tả là… thanh gỗ khô mục, có nhiều lỗ mối mọt. Từ đó, Công an huyện Đức Cơ căn cứ vào biên bản họp ngày 23/2/2016 giữa 3 ngành Công an, VKSND, TAND xác định vật chứng không phải là hung khí nguy hiểm cùng kết luận giám định pháp y số 255/TTPY để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
VKSND tỉnh Gia Lai còn cho rằng, Công an huyện Đức Cơ trong quá trình giải quyết vụ việc đã có một số vi phạm, trong đó có vi phạm liên quan đến việc thu thập, bảo quản chứng cứ trong quá trình điều tra, xác minh. Cụ thể, ông Rah Mah Byor đã làm thất lạc thẻ nhớ 8GB do bà Mạc cung cấp để làm chứng cứ trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ làm thất lạc chứng cứ không thuộc thẩm quyền của VKSND tỉnh. Sau đó, vào ngày 18/2/2017, ông Trần Công Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai đã ký công văn số 117/CV-VKS-P2 gửi Cục điều tra VKSND tối cao tại Đà Nẵng để giải quyết theo thẩm quyền; kèm theo công văn là toàn bộ hồ sơ vụ việc và 1 thẻ nhớ 2GB do bà Mạc cung cấp.
Ngoài ra, Công an huyện Đức Cơ còn vi phạm về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; vi phạm về việc thu thập chứng cứ, bảo quản vật chứng; vi phạm chế độ thông tin, báo cáo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; vi phạm về hình thức văn bản giải quyết đơn…
Thông báo số 61 thể hiện, ngày 17/1/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 24 ngày 25/8/2016 của Công an huyện Đức Cơ. Ngày 2/3/2020, Công an huyện Đức Cơ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/QĐ-CSĐT đối với vụ cố ý gây thương tích nói trên.