Gia Lai: Nhà máy đường gây ô nhiễm môi trường
- Pháp luật
- 15:18 - 03/01/2019
Nước thải xả ra môi trường
Chúng tôi cùng người dân nơi đây đã chứng kiến dòng nước có màu đen và mùi hôi xả thải ra theo các rãnh nước chảy. Các rãnh nước này hoà chung vào con suối nhỏ cuối nguồn chảy. Lần theo rãnh nước chảy, chúng tôi lên hai hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của nhà máy. Tại đây, lượng nước thải chưa qua xử lý đã ngập tràn hai hồ. Bên cạnh hai hồ này có một bể chứa nước thải đang xử lý. Tuy nhiên, tại bể chứa nước thải để xử lý này có rất ít nước. Người dân cho rằng có lẽ nhà máy dựng lên làm "màu", đây là điều vô cùng nghịch lý bởi nước chưa xử lý thì vô tư tràn bờ còn nước đã qua xử lý thì rất ít.
Khi nhận thấy có phóng viên chụp ảnh, một công nhân của trạm xử lý nước thải đã có động thái đi kiểm tra. Người này nói rằng, rất có thể thân đập hồ chứa nước thải đã có lỗ rò rỉ nào đó mà chưa tìm ra. Tuy nhiên, phản bác lại chuyện này, ông Phan Ngọc Anh trú thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê nói rằng tình trạng ô nhiễm này năm nào người dân cũng phản ánh nhưng có được gì đâu. "Báo lên xã, xã lại nói mấy ông lãnh đạo nhà máy đường là xong, còn dân thì lãnh đủ”, ông Anh nói. Cũng theo người dân, không chỉ xả nước thải hôi thối và dơ bẩn ra môi trường, Nhà máy đường An Khê còn để tiếng ồn, khói, bụi bay toả xung quanh khiến nhiều hộ dân sống sát tường Nhà máy vô cùng bức xúc. Tiếp xúc một số nhà dân thì thấy bụi bay vào nhà và đóng một lớp dày đặc. Độ rung từ nhà máy còn khiến cửa sắt của các hộ phát ra tiếng ồn rất khó chịu. Ông Nguyễn Văn Hoà ở thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê nói rằng, ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm thì tiếng ồn hết sức khó chịu. Còn theo vợ ông Hoà, nước giếng nhà họ cũng có mùi rất khó chịu. Chính vì vậy, những hộ dân ở đây được nhà máy đường cấp nước uống đóng bình, cứ 3 ngày cấp 2 bình cho 1 gia đình.
Nước thải có màu đen
Những người dân ở đây cho rằng sức chịu đựng của họ đã quá giới hạn. Họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền yêu cầu nhà máy phải thu hồi đất đồng thời đền bù thiệt hại hoa màu để dân có điều kiện di dời đến nơi khác, hoặc là buộc Nhà máy đảm bảo xả thải sạch ra môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay chỉ có những giải pháp chung chung của chính quyền cũng như nhà máy đường An Khê được đưa ra. "Cái mà dân cần là phương án để ổn định cuộc sống, không phải suốt ngày chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước", người dân bức xúc nói.
Về vấn đề này, ông Đặng Quốc Hoài Huy-Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã An Khê cho rằng, việc xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường ông chưa hề nghe dân hay xã phản ánh. Ông Huy thừa nhận ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, khói bụi do nhà máy là có, đã được bà con nhân dân thôn 2 xã Thành An phản ánh nhiều lần. "Phòng cũng đã tham mưu cho UBND thị xã An Khê có hướng xử lý. Dự kiến, trong năm nay, chúng tôi sẽ thuê tư vấn độc lập để có hướng giải quyết nạn ô nhiễm do nhà máy đường gây ra, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, ông Huy nói.
Vào tháng 12-2016, dự án nâng công suất nhà máy đường đạt 18.000 tấn mía/ngày đêm hoàn thành với số vốn đầu tư là 1.653 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là hơn 300.000m2.