Gia Lai: Huy động nguồn lực để giúp người dân thoát nghèo
- Dược liệu
- 16:11 - 29/09/2020
Huy động các nguồn lực xã hội để xóa nhà tạm, nhà dột nát được xem là một trong những điểm nhấn ấn tượng về thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh Gia Lai. Ngôi nhà cũ rộng chỉ khoảng 10 m2, dựng tạm bợ được thay thế bằng ngôi nhà sàn kiên cố rộng trên 40 m2 là niềm mơ ước của vợ chồng chị Đinh Thị Diên (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, Gia Lai) suốt bao năm qua. "Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm và có 2 đứa con song không có tiền để làm nhà. Nay được các cấp quan tâm làm cho ngôi nhà mới gia đình vui mừng lắm, tôi xin cảm ơn. Từ nay gia đình tôi sẽ tập trung làm ăn để sớm thoát nghèo", chị Diên vui mừng chia sẻ.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã huy động các nguồn lực trong xã hội được gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 3.300 nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Trong đó, riêng Quỹ Vì người nghèo và kinh phí vận động của doanh nghiệp, cộng đồng là gần 60 tỷ đồng. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, chính sự chung tay của cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đẩy tỷ lệ hộ nghèo từ 19,17% năm 2015, giảm xuống còn 4,5% vào năm nay và giúp cho các địa phương hoàn thành được tiêu chí nhà ở kiên cố trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả nhất định, giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên. Diện mạo vùng sâu, vùng xa thêm phần khởi sắc. Nếu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 34,49% thì đến cuối năm 2019 giảm còn 13,42%.
Là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh, huyện Kông Chro đã huy động hệ thống chính trị tập trung triển khai công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại kết quả khả quan. Ông Đinh Kinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhờ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách xóa đói giảm nghèo nên cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư, người dân tích cực lao động sản xuất cải thiện thu nhập, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định. Tính riêng năm 2019, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là hơn 41,8 tỷ đồng.
Trước đây, gia đình chị Đinh Nhiêu (làng Groi, xã Đak Tơ Pang) thuộc diện hộ nghèo vì thiếu vốn, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Sau khi được hỗ trợ vay vốn, tham gia tập huấn trồng và chăm sóc cây bắp lai, chị Nhiêu đã trồng thử nghiệm trên 5 sào ngô lai. Kết quả, gia đình chị thu hoạch cao gấp 3 lần giống ngô cũ. Cùng với đó, gia đình chị còn được hỗ trợ 1 con bò lai sinh sản và 1 con bò đực giống của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên để có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, ông Tạ Chí Khanh cho biết, những năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2017 đến nay, huyện mở 14 lớp dạy nghề cho nông dân là người dân tộc thiểu số; tổ chức 37 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp hộ nghèo ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.
Huyện Cũng đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh định cư, Quỹ "Vì người nghèo" của huyện, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên lên đến hàng trăm tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ giải quyết thiếu hụt đa chiều về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,53%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 22,2%.