CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Gia Lai: Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé

 

Sáng 15/6/2018, tại xã Ia Krăi, UBND huyện Ia Grai phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé. Dự hội thảo có đông đủ lãnh đạo UBND huyện Ia Grai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, Quân đoàn 3, Sư đoàn 320, Trung đoàn 48, Ban liên lạc Bạn chiến đấu Mặt trận B3 - Quân đoàn 3 và nhân chứng lịch sử  tham gia trận đánh căn cứ Chư Nghé.

Chiến thắng Chư Nghé không những tiêu diệt lớn hỏa lực địch ngay tại một trung tâm xuất phát hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, mà còn là đòn trừng trị đích đáng, lời cảnh báo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại hiệp định Pari, phá hoại hòa bình. "Nhổ cái gai" cắm sâu giữa vùng giải phóng của ta, làm cho địch rối loạn, mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp vận chiến lược lương thực của ta, tạo khí thế mới cho quân và dân tỉnh Gia Lai, Mặt trận Tây Nguyên lập nên những chiến công mới. Chiến thắng này còn là một bước phát triển phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa bàn rừng núi của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320).

 

Các đại biểu tham quan khu trưng bày của Bảo tàng Quân đoàn 3 tại hội thảo

 Hội thảo đã khái quát tình hình, diễn biến, kết quả của chiến thắng lịch sử Chư Nghé. Đặc biệt đã nhấn mạnh, trước tình hình địch liên tiếp vi phạm Hiệp định Pari, chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn 320 mở đợt tiến công vào khu vực phía Tây thị xã Pleiku, nhằm phân tán lực lượng địch tạo điều kiện cho Sư đoàn 10 giữ vững phía Bắc thị xã Kon Tum và các đơn vị đánh địch lấn chiếm trên các trục đường 19, 14. Tháng 9-1973, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 320 đứng chân ở hai huyện 4 và 5 của tỉnh Gia Lai mở đợt hoạt động quân sự tiến công địch đang lấn chiếm phía Tây thị xã Pleiku, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé, mục tiêu thứ yếu là 2 chốt điểm Đồn Tầm, Thanh Giáo.

 

Anh hùng LLVTND Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 phát biểu tại hội thảo


 Căn cứ điểm biên phòng Chư Nghé do Tiểu đoàn 80 Biệt động quân chiếm giữ, nằm khá sâu trong vùng giải phóng huyện 4, tỉnh Gia Lai (nay thuộc xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), phía Đông cách Pleiku hơn 40km và được nối với nhau bằng các tỉnh lộ 5A, 5B. Phía Tây Bắc căn cứ là các điểm cao 352, 327, sông Pô Cô, cách đường vận chuyển chiến lược của ta 10km. Cứ điểm Chư Nghé được xây dựng khá kiên cố trên một quả đồi hình củ lạc, chia thành hai khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào. Cứ điểm được bao bọc bởi 9 đến 14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mình chống xe tăng dày đặc. Tuy nhiên, Chư Nghé là cứ điểm độc lập, khi bị đánh thì trận địa pháo của địch ở Pleiku và Thanh An không chi viện được.


 Đại tá Nguyễn Thế Tân - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 báo cáo lại toàn bộ trận đánh căn cứ Chư Nghé


Tại hội thảo, huyện Ia Grai đã báo cáo Đề án quy hoạch xây dựng di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé với diện tích rộng gần 2ha, bao gồm các công trình: Đài chiến thắng, lô cốt, công sự, hầm hào. Sau hội thảo, huyện Ia Grai sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh Gia Lai công nhận di tích chiến thắng Chư Nghé thuộc làng Doch Ia Krot, xã Ia Krăi, huyện Ia Grai là di tích lịch sử cấp tỉnh.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh