THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:29

Đà Nẵng: “Qủa bóng” bất động sản liệu có lặp lại lịch sử?

Nhiều khu vực đất nền vốn im ắng trong thời gian dài nay cũng tăng giá không ngừng (ảnh minh họa)


Thông tin trên Báo Công an nhân dân cho biết, từ sau thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, giá đất ở đô thị Đà Nẵng tăng với mức “phi mã”. Báo này cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đất nền ở Đà Nẵng tăng giá “trên trời” như vậy. Theo đó, khoảng 8 năm trước, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng như quả bóng đang căng phồng bỗng bất ngờ “xì hơi”, khiến hàng trăm nhà đầu tư lâm vào tình trạng thua lỗ, phải đối diện với khoản nợ lớn ngân hàng; nhiều người phải chấp nhận bán tháo đất đai, nhà cửa, tài sản với giá rẻ mạt để trả nợ.

Năm 2017 thị trường BĐS Đà Nẵng bắt đầu có dấu hiệu âm ỉ “sốt”, có thời điểm chững lại và tụt giá; Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, giá đất ở đô thị Đà Nẵng tăng vọt, nhất là khu vực đất ven biển và đất các dự án. Như trục đường Nguyễn Tất Thành, chạy dọc vịnh biển Đà Nẵng, đoạn thuộc phường Thanh Bình, quận Hải Châu và các phường Tam Thuận, Xuân Hà, quận Thanh Khê, với chiều dài chừng 5km, từ đầu năm 2018, giá đất khoảng 50-70 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí nhưng ít có giao dịch. Thế nhưng, “sau ngày 1/3/2018, khi UBND quận Thanh Khê có văn bản đề xuất lãnh đạo nghiên cứu mở rộng, đổ cát mở rộng bãi biển Nguyễn Tất Thành, đoạn tiếp giáp khu đô thị (KĐT) Đa Phước đến giáp kênh Phú Lộc, giá đất khu vực này tăng 40-50% chỉ trong vòng 1 tuần”, Báo Công an nhân dân cho biết.

Được biết, các khu đất ven biển Đà Nẵng lâu nay thường là nơi đầu cơ của khá nhiều nhà đầu tư đất ở Hà Nội, tuy nhiên với sự tăng giá chóng mặt của thị trường BĐS Đà Nẵng ở khu vực này như thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cho biết, “giá cao những không dễ để mua được, vì đất liên tục tăng giá. Thậm chí một số trường hợp chủ đất đã nhận cọc trước hàng trăm triệu đồng, nhưng do đất lên giá quá nhanh nên chấp nhận “bẻ cọc” đền cọc gấp đôi để bán cho người khác với giá cao hơn".

Cơn lốc tăng giá dường như bao phủ khắp Đà Nẵng, kể cả những khu vực vốn “giậm chân tại chỗ” trong thời gian dài thì nay cũng tăng giá không ngừng. Báo Công an nhân dân cho biết, cách đây hai năm, giá các lô đất từ 125-500m2 trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) có mức giá 70-100 triệu đồng/m2, thì hiện đã lên đến 200-320 triệu đồng/m2, nhưng rất hiếm. Khi có lô đất nào rao bán thì lập tức có nhiều khách hàng hỏi mua.

Đối với các lô đất lớn nhiều ngàn m2 tại các khu vực này giá cũng xấp xỉ 200 triệu đồng/m2 và các nhà đầu tư ráo riết săn lùng, sẵn sàng “giành giật” mua cho bằng được để kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Việc đặc cọc và thanh toán được thực hiện nhanh gọn, chỉ trong vòng 1 tuần.

Việc sốt giá đất ở các trục đường chính ven biển đã kéo theo giá đất các khu dân cư gần biển cũng tăng “phi mã”, do nhu cầu quá lớn để kinh doanh dịch vụ, đáp ứng lượng khách du lịch đổ về Đà Nẵng ngày càng gia tăng.

Đất khu vực An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn năm 2014 khoảng 15-20 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2017, tăng lên 60-80 triệu đồng/m2. Từ giữa tháng 12-2017 đến nay, giá đất tại khu vực này tiếp tục “lên đồng”, lên mức 100-150 triệu đồng/m2, sau khi TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng khu phố du lịch An Thượng nhằm tạo điểm vui chơi giải trí, mua sắm cả ngày lẫn đêm cho du khách.

Không chỉ khu vực đô thị, cơn sốt đất hiện lan tỏa đến cả nhưng khu vực xa trung tâm, lâu nay ít thu hút sự quan tâm của thị trường BĐS Đà Nẵng. Hiện đất ở, đất vườn tại các xã vùng ven thuộc huyện Hoà Vang, quận Cẩm Lệ cũng tăng mạnh, giao dịch sôi động.

Thị trường BĐS Đà Nẵng sôi động, nhiều nhà đầu tư đã thu về tiền tỷ nhờ đầu tư “lướt sóng” chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí có người ôm đất để chờ bán với giá cao. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS lo ngại, quả bóng BĐS Đà Nẵng liệu có lặp lại lịch sử cách đây 8 năm?

BM (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh